Ngày 13.9, bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết thời gian vừa qua, khoa có tiếp nhận và điều trị một số trường hợp bệnh sởi nặng. Hầu hết các trường hợp đều có bệnh nền và trẻ chưa được tiêm ngừa hoặc tiêm ngừa không đầy đủ. Khảo sát một số lý do không tiêm ngừa thì thấy nổi bật là do trẻ “không đủ sức khoẻ” và thân nhân lo ngại “hậu quả” của thuốc ngừa gây ra.
Điển hình, bệnh nhi Đ.T.T (9 tuổi) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng sốt cao, li bì và khó thở, da nổi hồng ban toàn thân. Bệnh nhi cân nặng chỉ 12 kg (tương đương với trẻ 2 tuổi), có nhiều tật bẩm sinh như teo giác mạc, tứ chi chỉ có 4 ngón, không hậu môn đã được phẫu thuật lúc nhỏ. Trẻ chậm phát triển, không giao tiếp và suy dinh dưỡng. Do trẻ có nhiều tật bẩm sinh, lại hay mắc bệnh nên trẻ chưa được tiêm bất cứ loại thuốc ngừa nào, kể cả sởi.
Bé sốt cao 3 ngày liên tục, ói mữa, tiêu chảy, ho ngày càng tăng, phát ban toàn thân và bắt đầu khó thở nặng. Bé được thở máy, truyền kháng thể, chích kháng sinh, bổ sung vitamin A liều cao, tăng cường dinh dưỡng và chăm sóc nâng đỡ thể trạng. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng bé có cải thiện, tự thở được nhưng vẫn cần tiếp tục hồi sức.
Trước đó, tại buổi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch sởi của Bộ Y tế tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vào cuối tháng 8 cũng ghi nhận hầu hết ca mắc bệnh nặng đều chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi. Cụ thể trong 42 ca bệnh sởi nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 thì các ca này đều chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi.
Tiêm ngừa giúp tạo kháng thể bảo vệ khi gặp vi rút sởi
Theo bác sĩ Việt, bệnh sởi đã có vắc xin phòng bệnh. Trẻ sau chích ngừa sẽ tạo được kháng thể, tự bảo vệ khi gặp vi rút sởi. Vì vậy dù có mắc bệnh cũng sẽ “nhẹ nhàng” vượt qua.
Vắc xin sởi là vắc xin sống giảm độc lực nên sẽ không tiêm cho những trẻ suy giảm miễn dịch nặng, bệnh ung thư đang hóa trị, xạ trị, bệnh lao đang điều trị, trẻ đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch (corticoid,…) liều cao kéo dài, dị ứng hoặc phản ứng nghiêm trọng với các thành phần trong vắc xin sởi,… Ngoài các đối tượng trên thì tất cả trẻ trong độ tuổi vẫn có thể tiêm ngừa, đặc biệt cần thiết đối với những bé có bệnh nền, đa dị tật,…
“Nếu quý phụ huynh còn vướng mắc về các bệnh lý cần hạn chế tiêm ngừa sởi, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ hơn, tránh để trẻ mắc bệnh sởi nặng, trong khi có thể phòng tránh được”, bác sĩ Việt khuyến cáo.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Đình Qui (Phó trưởng khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, phụ huynh lưu ý khi trẻ có các triệu chứng sau cần nghi ngờ bệnh sởi:
- Trẻ sốt từ 2 – 3 ngày, đồng thời có phát ban từ sau tai lan xuống mặt đến cổ, ra trước ngực, bụng và toàn thân.
- Kèm theo một trong 3 triệu chứng: ho, chảy mũi, đỏ mắt.
Tiêm vắc xin là biện pháp chủ động phòng bệnh sởi. Phụ huynh cần rà soát lại lịch tiêm ngừa của trẻ. Trẻ cần tiêm ngừa mũi vắc xin sởi đầu tiên lúc 9 tháng tuổi và mũi vắc xin sởi-rubella lúc 18 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, phụ huynh nên cho trẻ đeo khẩu trang khi đến khu vực đông người; phụ huynh cần vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc trẻ bệnh sởi để tránh lây lan cho cộng đồng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-canh-bao-tre-chua-tiem-ngua-vac-xin-mac-soi-nang-185240912152739976.htm