Để có dinh dưỡng đúng, dinh dưỡng đầy đủ với trẻ nhỏ, chúng ta cần phải có được hệ thống tư vấn từ các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ dinh dưỡng, tránh tình trạng, hội nhóm qua mạng rồi thúc đẩy nhau sử dụng thức ăn, thức uống nào đó không phù hợp.
Rào chắn, ngăn các nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm
Hội nghị nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 diễn ra tại TP.Huế (Thừa Thiên – Huế) từ 31.10 – 2.11, tập trung vào chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Đây là cơ hội quan trọng để các chuyên gia y tế thảo luận về những tiến bộ trong lĩnh vực nhi khoa, đặc biệt là dinh dưỡng cho trẻ em. Hội nghị quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu, góp phần định hướng các chính sách và cải thiện thực tiễn chăm sóc trẻ em tại Việt Nam.
PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, cho hay bệnh lý nhi khoa ngày càng phức tạp. Với dinh dưỡng, các chuyên gia lưu ý, đây là yếu tố liên quan đến phát triển thể lực, trí lực và chiều cao ở trẻ, trong bối cảnh tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em nước ta hiện vẫn nhiều, ở các vùng miền khác nhau, cần quan tâm nhiều hơn đến nhóm suy dinh dưỡng thấp còi.
PGS Điển cho rằng cần có những định nghĩa mới về vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em. Ví như tình trạng trẻ béo phì cũng được đánh giá là suy dinh dưỡng. Cần phải có những cách nhìn rộng hơn về suy dinh dưỡng trẻ em, theo tiêu chuẩn kiểu hình và tiêu chuẩn nguyên nhân.
Theo PGS Điển, các ông bố bà mẹ hiện nay rất chú ý về chăm sóc sức khỏe cho các con. Đây là vấn đề rất đáng mừng. “Tuy nhiên, tôi cũng xin nhắc nhở để có dinh dưỡng đúng, dinh dưỡng đầy đủ với trẻ nhỏ thì chúng ta cần phải có được hệ thống tư vấn từ các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ dinh dưỡng, tránh tình trạng hội nhóm qua mạng rồi thúc đẩy nhau sử dụng thức ăn, thức uống nào đó không phù hợp, không đủ dinh dưỡng. Sau khi đã được tư vấn bởi bác sĩ nhi khoa, bác sĩ dinh dưỡng rồi, các bà mẹ, các gia đình cần lưu ý để chăm sóc dinh dưỡng cho con mình tốt hơn”, PGS Điển nói.
Can thiệp dinh dưỡng là cả quá trình
Về vai trò của bác sĩ lâm sàng nhi khoa với vấn đề dinh dưỡng của trẻ, PGS Điển cho hay, bác sĩ nhi khoa không chỉ khám về tình trạng bệnh lý mà còn thăm khám cả tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em.
“Một trách nhiệm khác của các bác sĩ nhi khoa là phải tạo nhận thức tốt nhất về dinh dưỡng đúng, dinh dưỡng đầy đủ cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ, cả khi trẻ ốm cũng như cả khi bình thường. Giúp hồi phục dinh dưỡng cho trẻ sau giai đoạn ốm, duy trì dinh dưỡng để trẻ bắt kịp đà tăng trưởng”, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo PGS Điển, thời gian qua, Hội Nhi khoa Việt Nam đã họp bàn để cùng xây dựng một phiên bản thống nhất liên quan đến sàng lọc, đánh giá và quy trình can thiệp dinh dưỡng cho trẻ em khi đến khám và điều trị tại bệnh viện. Từ đó, các bệnh viện có thể triển khai, áp dụng đồng thuận này, để mỗi trẻ khi đến các bệnh viện nhi đều được sàng lọc, đánh giá nhằm đưa ra các can thiệp về vấn đề dinh dưỡng.
“Trên cơ sở những kết quả đánh giá, các bác sĩ sẽ đưa ra những hướng dẫn cha mẹ trẻ, can thiệp dinh dưỡng bằng chế độ ăn, thực phẩm dinh dưỡng đường uống phù hợp với từng trẻ, không chỉ ở trẻ suy dinh dưỡng nặng, mà còn cả ở trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng, tình trạng thấp còi”.
Riêng tại Bệnh viện Nhi T.Ư, 100% trẻ đến điều trị nội trú được đánh giá sàng lọc dinh dưỡng và đưa ra can thiệp khoảng đối với 30% trẻ có dấu hiệu về suy dinh dưỡng.
Chiều cao trưởng thành cần can thiệp từ đầu đời
Theo thông tin tại hội nghị, so với các nước trên thế giới và khu vực, chiều cao trung bình trưởng thành người Việt Nam trung bình còn thấp, nam chưa được 1,7 m, còn nữ chưa đạt 1,6 m. Chiều cao của người trưởng thành phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tầm vóc những năm đầu đời, một đứa trẻ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi thì chiều cao về sau kém.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em vẫn đang ở mức cao, khoảng 20%. Ở những khu vực vùng cao, miền núi thì tỷ lệ này gần 30%. Trong khi mục tiêu quốc gia đến năm 2030 là giảm tỷ lệ này xuống còn 15%.
Một số ý kiến cho rằng các bệnh viện chưa thống nhất bộ công cụ sàng lọc, đánh giá về tình trạng dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Nếu có, đánh giá chủ yếu tập trung nhiều về suy dinh dưỡng cấp tính, thường bỏ sót sàng lọc, can thiệp trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Chưa chú trọng đến nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ bệnh, đối tượng dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng.
Từ thực tế này, Bộ Y tế, Hội Nhi khoa Việt Nam, các viện… cần phối hợp với các đơn vị xây dựng đồng thuận thống nhất hướng dẫn sàng lọc can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhi. Trong đó, 3 bước để giải quyết vấn đề dinh dưỡng trong bệnh viện gồm: nhận dạng và chẩn đoán tất cả các bệnh nhân có nguy cơ; nhanh chóng tiến hành can thiệp và theo dõi liên tục; xây dựng kế hoạch giáo dục và chăm sóc dinh dưỡng sau xuất viện.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dinh-duong-qua-hoi-nhom-mang-nguy-co-cho-tre-nho-185241101163728043.htm