Giới phân tích cho rằng, các thông tin xấu, bất lợi cho chứng khoán đã qua hoặc đang giảm bớt, thị trường có triển vọng hồi phục.
Trong báo cáo phân tích mới đây của VinaCapital, nhóm chuyên gia nói từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức giảm 16% và bị bán tháo do sự kết hợp các yếu tố trong và ngoài nước. Các yếu tố kể trên bao gồm lo ngại tăng lãi suất khi tỷ giá USD lên cao, biến động cổ phiếu Vingroup và Vinhomes liên quan trái phiếu chuyển đổi, các lệnh bán giải chấp của nhiều công ty chứng khoán, tin đồn về việc kiểm soát một số nguồn cho vay ký quỹ (margin) không chính thức và lợi nhuận doanh nghiệp trong quý III không như kỳ vọng.
Theo VinaCapital, yếu tố lớn nhất đè nặng thị trường là sự mất giá của tiền đồng làm dấy lên mối lo ngại rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với sự mất giá, đồng thời cũng thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài bán ra.
Tuy nhiên diễn biến thực tế lại không như những gì nhà đầu tư phỏng đoán. Tỷ giá USD đã ổn định trong nhiều tuần qua mà Ngân hàng Nhà nước không cần phải tăng lãi suất. Song song đó, đà tăng của USD dường như đã kết thúc, đặc biệt sau khi các chỉ số ISM/PMI ở mức thấp vào tuần trước, càng khiến VinaCapital tin rằng cơ quan này sẽ giữ nguyên mức lãi suất trong những tháng tới.
Nhóm phân tích này kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ giảm 3% vào cuối năm nay nhờ được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng của thặng dư thương mại Việt Nam, từ 3% GDP năm 2023 lên đến 7% trong năm 2024. Kỳ vọng này càng được củng cố bởi sự tăng giá khoảng 1% của VND trong vài ngày qua, đưa mức giảm giá so với đầu năm trở lại 3%.
“Tất cả yếu tố tiêu cực nhất lúc này đã hoặc đang giảm bớt và triển vọng hồi phục của chứng khoán Việt Nam trong những tháng tới được hỗ trợ bởi tăng trưởng lợi nhuận và nền kinh tế phục hồi, kết hợp với định giá rẻ của thị trường”, báo cáo của VinaCapital nêu.
Về chính sách tiền tệ, VNDirect cùng quan điểm rằng Ngân hàng Nhà nước ít khả năng tăng lãi suất. Vâng Lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất so với giai đoạn từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2022 do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu. Đơn vị này kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ở mức bình quân 5,4% một năm trong thời gian còn lại của năm 2023. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm đến cuối năm nay nhờ chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ngừng phát hành tín phiếu sau hơn một tháng thực hiện nghiệp vụ này. Đến ngày 9/11, VNDirect thống kê có gần 185.700 tỷ đồng trở lại hệ thống qua lượng tín phiếu đáo hạn.
Thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc. Kết thúc tuần này, VN-Index tích lũy thêm gần 25 điểm so với cuối tuần trước, thanh khoản tăng trên mức trung bình. Chỉ số đại diện sàn HoSE có tuần thứ hai liên tiếp hồi phục, hiện vượt trên hỗ trợ 1.100 điểm. Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), diễn biến này giúp loại trừ khả năng thị trường trở lại downtrend (xu hướng giảm giá).
Tuy nhiên, VN-Index vẫn đang trong nhịp hồi phục đầu tiên và vận động lỏng lẻo. Chỉ số này sẽ cần nhiều thời gian để tìm đến khu vực cân bằng cho quá trình tích lũy. SHS kỳ vọng nền tích lũy sẽ hình thành trên 1.100 điểm khi phiên cuối tuần có xu hướng kiểm tra lại mốc hỗ trợ này. Nhóm phân tích dự báo nhiều khả năng quá trình kiểm tra sẽ thành công.
SHS lưu ý, dù các hoạt động kinh tế có thể diễn ra sôi động trong quý cuối năm và GDP đang có xu hướng phục hồi, các yếu tố vĩ mô vẫn còn rủi ro. Tình hình địa chính trị thế giới tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp, mặt khác tình hình lạm phát toàn cầu vẫn chưa thực sự được kiểm soát do xu hướng giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng, kinh tế khu vực EU dễ bước vào suy thoái.
Chứng khoán Mirae Asset cũng cho rằng đang có ba rủi ro lớn nhất đến từ tình hình thế giới. Thứ nhất, lãi suất toàn cầu neo ở mức cao trong thời gian dài và ảnh hưởng tới việc đảo nợ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, sức mua. Thứ hai là tác động tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc. Thứ ba là kịch bản đồng USD mạnh hơn kỳ vọng và áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế các nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ nguyên chiến lược bán ròng của họ với 2.720 tỷ đồng trong tháng 10. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã xả hàng khoảng 10.500 tỷ đồng trong bối cảnh đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao.
Tất Đạt