Dù số lượng tài khoản đầu tư nước ngoài tăng song giao dịch của họ chỉ chiếm 0,5% thị trường. Ngành quản lý quỹ ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhưng tổng tài sản quản lý vẫn thấp so với khu vực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (ngoài cùng bên phải) trao đổi cùng các nhà đầu tư tại hội nghị - Ảnh: CTV
Chia sẻ tại hội nghị "Quỹ đầu tư và Đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" do Bộ Tài chính tổ chức sáng 28-3, ông Nguyễn Văn Thắng - bộ trưởng Bộ Tài chính - cho biết quy mô nền kinh tế Việt Nam ở mức 476,3 tỉ USD, đứng thứ 33 trên thế giới.
Chỉ khoảng 1% nhà đầu tư chọn đầu tư thông qua quỹ mở
Dù vậy, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Dù số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán liên tục tăng, nhưng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5%.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cả nước có khoảng 43 công ty quản lý quỹ và 123 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng tài sản quản lý hơn 750.000 tỉ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014.
Dù ngành quỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình trên 20% mỗi năm trong một thập kỷ qua, nhưng tổng tài sản quản lý mới chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với khu vực.
"Nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa mặn mà đầu tư qua quỹ mà chủ yếu thực hiện trực tiếp, tự kiểm soát giao dịch", bà Phương nói.
Theo ông Don Lam, cổ đông sáng lập kiêm tổng giám đốc VinaCapital, chỉ khoảng 7% dân số Việt Nam có tài khoản giao dịch chứng khoán, nhưng các nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế trong giao dịch trên thị trường chứng khoán. Chỉ khoảng 1% nhà đầu tư chọn đầu tư thông qua quỹ mở.
Ông nhận xét, ngành quản lý quỹ tại Việt Nam có quy mô khiêm tốn và mức độ thâm nhập quỹ thấp. Các quỹ được quản lý chuyên nghiệp khoảng 3,5% còn ở thị trường trái phiếu, các quỹ được quản lý chuyên nghiệp chưa đến 17%.
"Điều này tạo nên chi phí và biến động thị trường cao. Về dài hạn, thị trường cần nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, đồng thời khuyến khích các cá nhân ủy thác vốn cho quỹ chuyên nghiệp quản lý", ông Don Lam nói.
Nhà đầu tư ngoại giảm quan tâm
Ông Don Lam, cổ đông sáng lập kiêm tổng giám đốc VinaCapital - Ảnh: HỒNG PHÚC
Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam không nhiều và có xu hướng giảm. Theo ông Don Lam, một trong những lý do chính là từ năm 2019 đến nay, không có các thương vụ IPO lớn, vốn thường thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này cũng hạn chế khả năng huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp tư nhân. Ông lấy ví dụ với thương vụ đầu tư 20 năm trước.
Khi đó, sản phẩm bánh kẹo của Kinh Đô dù chất lượng cao nhưng không cạnh tranh được với hàng Thái Lan vì bao bì, đóng gói không đẹp.
"Tôi gặp 2 anh em nhà Kinh Đô rồi đầu tư vào, giúp họ mua máy móc, nâng cấp đóng gói cạnh tranh với hàng Thái Lan. Đó là ví dụ để thấy quỹ rất quan trọng trong việc giúp khối tư nhân Việt Nam phát triển", ông Don Lam nói.
Đại diện UBCKNN cho biết ủy ban có đề án tái cấu trúc nhà đầu tư, nghĩa là tăng số lượng các quỹ đầu tư có tổ chức và giảm tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân để đảm bảo tính ổn định của thị trường.
Đề án thứ hai đang triển khai là đào tạo nhà đầu tư thông qua tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quỹ đầu tư chứng khoán, giúp nhà đầu tư không hiểu rõ cả về lợi ích và rủi ro.
Điều này cũng góp phần thay đổi thói quen đầu tư cho các nhà đầu tư không chuyên sang đầu tư vào các quỹ chuyên nghiệp, cũng như từ đầu cơ sang đầu tư dài hạn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-dau-tu-nho-le-chua-man-ma-dau-tu-qua-quy-20250328115249167.htm
Bình luận (0)