Chỉ trong vài ngày, yen liên tục tăng giảm vài phần trăm so với đôla Mỹ, làm dấy lên đồn đoán giới chức Nhật can thiệp vào thị trường.
Yen sáng nay dao động quanh 149 yen đổi một đôla Mỹ. Phiên hôm qua, giá có thời điểm tăng gần 2% lên 147 yen một USD, sau khi xuống mốc 150,1 – thấp nhất kể từ tháng 10/2022.
Việc yen tăng vọt hôm qua làm dấy lên đồn đoán giới chức Nhật Bản có thể đã can thiệp để hỗ trợ nội tệ. “Nếu có can thiệp, việc này cũng hoàn toàn khớp với các cảnh báo gần đây từ quan chức cấp cao. Nó cũng trùng với các động thái trong quá khứ nữa”, James Malcolm – Giám đốc chiến lược ngoại hối tại UBS cho biết.
Những động thái này chưa chắc đảo ngược được xu hướng trên thị trường ngoại hối ngay lập tức. Dù vậy, nó có thể giúp nhà đầu tư yên tâm phần nào, đồng thời giúp giới chức có thêm thời gian để tìm cách giải quyết.
Hôm nay, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết trước báo giới rằng họ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn yen biến động mạnh, đồng thời nhấn mạnh sẽ “không loại trừ bất kỳ khả năng nào”. Ông từ chối xác nhận việc can thiệp để kéo giá yen lên hôm 3/10.
“Tỷ giá nên diễn biến theo thị trường, phản ánh các yếu tố nền tảng. Biến động mạnh là điều không ai mong muốn. Chính phủ đang theo dõi sát sao vấn đề này”, ông cho biết.
Một quan chức hàng đầu khác về tiền tệ tại Nhật Bản – Thứ trưởng Tài chính Masato Kanda hôm nay cũng cho biết giới chức nhìn vào nhiều yếu tố để quyết định liệu yen có đang biến động quá mức hay không.
“Nếu các đồng tiền tăng giảm quá nhiều trong một ngày hoặc một tuần, đó là biến động lớn. Nhưng nếu tính trong một khoảng thời gian nhất định, các dao động nhỏ gộp lại thành dao động lớn, đó cũng là biến động quá mức”, Kanda cho biết.
Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1998, Nhật Bản can thiệp hỗ trợ đồng yen. Nguyên nhân là đồng tiền này xuống thấp nhất 32 năm so với USD, tại 151,9 yen đổi một đôla Mỹ.
Giới chức Nhật Bản đang chịu sức ép khi yen liên tục yếu đi thời gian qua. Nguyên nhân chủ yếu là chính sách tiền tệ trái ngược giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và châu Âu.
Trong khi Mỹ và châu Âu nâng lãi suất mạnh tay để đối phó lạm phát, Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất âm. Điều này khiến nhà đầu tư bán đồng tiền này để chuyển sang các kênh khác cho lợi nhuận cao hơn.
Hà Thu (theo Reuters)