Các nhà nghiên cứu đang tìm mọi cách ngăn dòng hải lưu ấm đến gần và làm sụp đổ sông băng ở tốc độ ngày càng nhanh như hiện nay.
Nếu sông băng Thwaites hay còn có biệt danh “sông băng tận thế” sụp đổ, những thành phố như New York, Miami, và New Orleans sẽ chịu thảm họa ngập lụt. Trên toàn cầu, 97 triệu người sẽ bị ảnh hưởng bởi dòng nước tràn tới nhanh, đe dọa nhà cửa, cộng đồng và sinh kế của họ. Hiện nay, dải băng khổng lồ ở Nam Cực ngăn nước biển ấm tới gần những sông băng khác. Trong trường hợp Thwaites biến mất, nó sẽ thúc đẩy hiện tượng tan chảy hàng loạt có thể khiến mực nước biển cao thêm 3 m, Business Insider hôm 5/3 đưa tin.
Tính đến nay, sông băng Thwaites đang tan chảy đóng góp 4% vào mức tăng mực nước biển trên toàn cầu. Từ năm 2000, Thwaites mất hơn 1.000 tỷ tấn băng. Nhưng đây không phải sông băng duy nhất đang gặp rắc rối. Đó là lý do tại sao các kỹ sư nỗ lực tìm ra nhiều sáng kiến công nghệ có thể làm chậm tốc độ tan chảy của sông băng. Giải pháp mới nhất là màn che dưới nước. John Moore, nhà băng hà học kiêm nhà nghiên cứu địa kỹ thuật ở Đại học Lapland, muốn lắp đặt một tấm màn khổng lồ dài 100 km dưới nước để ngăn nước biển ấm tới gần và làm tan chảy sông băng. Nhưng ông cần 50 tỷ USD để biến ý tưởng thành hiện thực.
Một trong những nguyên nhân chính khiến sông băng tan chảy là nước biển mặn ấm ở sâu trong lòng đại dương. Dòng nước ấm này di chuyển vòng quanh bên sườn sông băng Thwaites, làm tan chảy lớp băng dày ngăn rìa dải khỏi sụp đổ. Trong khi đại dương ấm lên do biến đổi khí hậu, hải lưu ấm ngày càng xói mòn Thwaites, đẩy nó tới gần nguy cơ sụp đổ hoàn toàn hơn. Moore và cộng sự đang tìm hiểu liệu họ có thể treo màn trên đáy biển Amundsen để làm chậm tốc độ tan chảy hay không. Về lý thuyết, màn che có thể chặn dòng hải lưu ấm chảy tới Thwaites, ngừng hiện tượng tan chảy và cung cấp thời gian để dải băng dày lên.
Đây không phải lần đầu tiên Moore đề xuất giải pháp ngăn chặn trên. Ý tưởng che màn của ông dựa trên giải pháp tương tự mà ông chia sẻ vào năm 2018, đó là chặn dòng nước ấm bằng một bức tường đồ sộ. Nhưng theo Moore, màn che là lựa chọn an toàn hơn nhiều. Nó hiệu quả trong việc chặn dòng hải lưu ấm, nhưng dễ tháo rời hơn nhiều khi cần. Ví dụ, nếu lớp màn ảnh hưởng xấu tới môi trường địa phương, họ có thể lấy nó ra và thiết kế lại.
Dù Moore và cộng sự vẫn cần nhiều thập kỷ trước khi áp dụng công nghệ để cứu sông băng Thwaites, họ đang thử nghiệm nguyên mẫu có kích thước nhỏ hơn. Đồng nghiệp của Moore ở Đại học Cambridge đang ở giai đoạn đầu trong thiết kế và thử nghiệm nguyên mẫu. Họ có thể tiến tới giai đoạn tiếp theo vào mùa hè năm 2025.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu ở Đại học Cambridge đang thử nghiệm phiên bản dài gần một mét của công nghệ ở trong bể. Sau khi chứng minh nó có hoạt động, họ sẽ chuyển sang thử nghiệm nó trên sông Cam bằng cách lắp đặt ở đáy sông hoặc kéo nó sau thuyền. Ý tưởng của họ là tăng dần kích thước nguyên mẫu cho tới khi có bằng chứng cho thấy công nghệ đủ ổn định để lắp đặt ở Bắc Cực. Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra bộ nguyên mẫu màn che dài 10 m ở vịnh của Na Uy trong khoảng hai năm tới.
Những thí nghiệm trong năm nay của dự án sẽ có chi phí khoảng 10.000 USD. Nhưng để tiến tới mốc Moore và đồng nghiệp có thể tự tin lắp đặt công nghệ, họ sẽ cần khoảng 10 triệu USD. Họ sẽ cần thêm 50 tỷ USD để lắp đặt màn che ở biển Amundsen. Dữ liệu cho thấy sông băng Thwaites đang tan chảy ở tốc độ chưa từng có do biến đổi khí hậu. Nhưng vấn đề khi nào nó sụp vẫn gây tranh cãi giữa các nhà băng hà học. Họ cần thu thập dữ liệu tốt hơn nhưng điều đó cần thời gian, trong khi thời gian của những sông băng như Thwaites có thể không còn nhiều.
An Khang (Theo Business Insider)