Cá tra Việt Nam là loài cá thịt trắng “được lòng” người tiêu dùng tại nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, thị trường đa dạng xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh với cá tra Việt, trong đó có cả cá lóc Trung Quốc (Chinese snakehead).
Theo chuyên gia của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá lóc và cá tra có những điểm tương đồng về kết cấu, hương vị và ứng dụng ẩm thực khiến cả hai loài cá này trở nên phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc.
Cả hai loại cá này đều có thịt trắng, chắc, hương vị nhẹ và giàu protein, và có những lợi thế cạnh tranh riêng, phục vụ từng nhu cầu tiêu thụ.
Cá tra là loài cá nước ngọt, phát triển tốt trong môi trường nước có dòng chảy nhẹ, hàm lượng oxy thấp, phù hợp với nuôi thâm canh. Việt Nam là quốc gia nuôi và xuất khẩu cá tra nhiều nhất thế giới khi nông dân chủ yếu nuôi ao lớn, sử dụng thức ăn công nghiệp, và được kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng nước.
Trong khi đó, cá lóc phân bố rộng rãi ở sông, hồ và đồng ruộng tại Trung Quốc. Loài cá này chủ yếu được nuôi trong các ao tự nhiên hoặc hồ chứa, nuôi với mật độ vừa phải. Cá ăn thức ăn tự nhiên hoặc bổ sung bằng cá tươi hoặc thức ăn công nghiệp. Thời gian nuôi trung bình là từ 8-12 tháng để đạt trọng lượng thương phẩm 1-1,5 kg/con.
Về giá trị dinh dưỡng, theo chuyên gia của VASEP, cá tra Việt Nam có hàm lượng chất béo 6-10%, đặc biệt chứa axit béo không bão hòa omega-3. Cá tra có thịt mềm, trắng, thích hợp cho chế biến đông lạnh hoặc làm sản phẩm giá trị gia tăng (phi lê, cá cắt khúc, chả cá). Sản phẩm xuất khẩu cá tra chủ lực của Việt Nam là phile cá tra đông lạnh.
Cá lóc Trung Quốc có hàm lượng protein cao (18-25%), ít béo hơn so với cá tra. Thịt cá lóc chắc, thơm, được ưa chuộng trong các món ăn truyền thống như cá nướng, cá om dưa cải đặc biệt là súp và lẩu, giúp tăng sự chấp nhận của người tiêu dùng nhờ giá cả phải chăng và sự quen thuộc.
Về tiềm năng xuất khẩu, theo VASEP, cá tra Việt Nam là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm thị phần lớn trên thị trường quốc tế như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Đông Nam Á. Giá trung bình sản phẩm phile cá tra đông lạnh (sản phẩm chính của xuất khẩu cá tra) là từ 2,5-3 USD/kg.
Tại Trung Quốc, cá lóc nuôi tại Trung Quốc đang chiếm ưu thế hơn so với cá tra nhập khẩu, chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa và một số thị trường lân cận (Đông Á, Đông Nam Á). Giá trung bình của sản phẩm cá lóc tươi nguyên con là 4-5 USD/kg. Sản lượng nuôi cá lóc của Trung Quốc dự kiến đạt 800.000 tấn vào năm 2024, trong đó 40% dành cho các cơ sở chế biến và phần còn lại phục vụ thị trường cá sống.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang áp dụng các phương pháp chế biến cá rô phi vào sản xuất cá lóc, nhắm đến thị trường châu Á với các sản phẩm giá trị gia tăng.
Chuyên gia của VASEP nhận định, cá tra Việt Nam có giá thành hợp lý, nguồn cung ổn định, phù hợp với các thị trường lớn. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng bởi rào cản thương mại và biến động thị trường quốc tế.
Trong khi đó cá lóc Trung Quốc cũng có thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, cá lóc có giá thành cao, hạn chế về quy mô nuôi và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phù hợp với thị hiếu nội địa và khu vực.
Tính đến ngày 15/11/2024, Việt Nam vẫn là nguồn cung cá tra số 1 thế giới và Trung Quốc vẫn là điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 11/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt sang Trung Quốc đạt 27 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này tính đến ngày 15/11/2024 đạt 506 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Cả cá tra Việt Nam và cá lóc Trung Quốc đều có những lợi thế riêng về chất lượng, giá trị dinh dưỡng, giá thành, thị trường tiêu thụ, phục vụ cho những nhu cầu khác nhau. Kịch bản Trung Quốc tự cung tự cấp cá lóc để thay thế dần cho cá tra nhập khẩu từ Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ tới, và điều này sẽ là một lo ngại khi thị trường tỷ dân này đang là khách hàng lớn nhất của ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Theo VASEP, sự phát triển của cá lóc nội địa Trung Quốc đang diễn ra song song với việc nước này giảm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Năm 2020, lượng phi lê cá tra đông lạnh Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam giảm từ hơn 200.000 tấn, xuống còn 106.000 tấn năm 2023, và chỉ đạt 51.000 tấn trong 8 tháng đầu năm 2024. Từ năm 2020, khối lượng nhập khẩu cá tra liên tục giảm, với năm 2023 và 2024 ghi nhận mức nhập khẩu thấp hơn cả giai đoạn đại dịch COVID-19. Tất nhiên, bên cạnh việc sản lượng cá lóc nội địa tăng lên, có nhiều nguyên do khác khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu cá tra như nguyên nhân kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại.
Các đối thủ cạnh tranh của cá tra Việt Nam ngày một phát triển và đang mạnh lên dần. Chỉ riêng cá tra, hiện nay nhiều quốc gia cũng đã gia nhập cuộc đua nuôi và xuất khẩu cá tra.
“Cá tra Việt không còn “1 mình 1 chợ”, do đó cần nâng cao mạnh mẽ hơn nữa sức cạnh tranh trên thị trường bằng việc gia tăng chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo tuyệt đối các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”, VASEP đưa ra khuyến cáo.
Nguồn: https://danviet.vn/xuat-hien-mot-loai-ca-nuoi-o-trung-quoc-de-doa-la-doi-thu-canh-tranh-cua-ca-tra-viet-nam-20241212224235509.htm