SGGP
Tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh là điều Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, thực hiện. Góp phần thực hiện nhiệm vụ trên, nhiều công trình tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3 đã đưa ra giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho thiếu nhi, phụ nữ.
Điểm đến an toàn cho người bị bạo lực
Mới đây, chị H.T. tìm đến “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực” tại Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TPHCM) để nhờ trợ giúp. Chị H.T. chia sẻ, từ khi bị vợ phát hiện ngoại tình thì chồng chị thay đổi tính tình, thường xuyên đánh đập vợ, chửi mắng con. Biết thông tin về mô hình hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành, chị tìm đến để được tư vấn cách giải quyết.
Chị H.T. là một trong hơn 10 nạn nhân tìm đến “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực” để nhờ hỗ trợ trong hơn 2 tháng qua, sau khi mô hình đi vào hoạt động tại Bệnh viện Hùng Vương. Đây là mô hình thí điểm trên địa bàn TPHCM, tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Mô hình do Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp Bệnh viện Hùng Vương và Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (Uni woman) phối hợp thành lập.
Những trường hợp học sinh có vướng mắc lớn trong tâm lý, chuyên gia sẽ gặp gỡ trực tiếp để tư vấn |
Theo Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh, mô hình là điểm đến an toàn, là nơi can thiệp, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu khép kín và phù hợp cho từng nạn nhân trên địa bàn TPHCM. Điểm mới của mô hình là thay vì nạn nhân phải đi đến nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ như lúc trước, thì nay phụ nữ và trẻ em bị bạo lực chỉ cần đến mô hình một cửa này để được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý trọn gói miễn phí.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM), trước đây, khi bị bạo hành hay xâm hại, trẻ em phải đi nhiều nơi để cầu cứu, cho lời khai, làm giám định… Quy trình này kéo dài, gây mệt mỏi cho trẻ, dẫn đến nhiều nạn nhân im lặng, không lên tiếng. Nay, với mô hình một cửa, nạn nhân chỉ cần đến một nơi thì sẽ được hỗ trợ nhanh chóng, quy trình khép kín và danh tính nạn nhân được bảo mật.
Nhằm giúp phụ nữ và trẻ em biết đến mô hình một cửa, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn hội thực hiện tuyên truyền xuống tận khu phố, nhờ vậy phụ nữ và trẻ em khi bị bạo hành, xâm hại có thể tìm đến đúng nơi để được giúp đỡ. Đây là một giải pháp mới, chưa có tiền lệ tại Việt Nam.
Kênh thông tin gần gũi với học sinh
Do mâu thuẫn với ba mẹ, T.N. – học sinh một trường THCS trên địa bàn quận 3, TPHCM – có ý muốn tự làm hại bản thân. May mắn, T.N. kịp thời tìm đến phòng tư vấn học đường trực tuyến và nhận được sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. Sau quá trình nỗ lực, T.N. đã vượt qua giai đoạn khó khăn, tìm lại được giá trị của bản thân và tình cảm gia đình.
Theo Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa, trên cơ sở xây dựng trường học hạnh phúc mà ngành GD-ĐT quận 3 hướng tới, cùng với thực trạng nhiều học sinh gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần cũng như gặp khó khăn trong học tập, trong giao tiếp đã đòi hỏi ngành GD-ĐT phải có kênh để lắng nghe, kịp thời giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn, yên tâm trưởng thành từng ngày.
Trước những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, cuối năm 2022, Phòng GD-ĐT quận 3 đã xây dựng phòng tư vấn trực tuyến trên trang www.quan3.tamlyhocduong.org và ứng dụng “Tâm lý học đường quận 3” trên nền tảng Android. Tại đây, học sinh có thể đăng nhập và trò chuyện với đội ngũ chuyên gia tâm lý. Đối với những vấn đề không quá quan trọng, chuyên gia hỗ trợ học sinh ngay trong quá trình trò chuyện trực tuyến. Riêng với những vấn đề khó khăn hơn, chuyên gia sẽ mời học sinh đến 1 trong 5 phòng tư vấn học đường để trực tiếp tư vấn.
“Phòng tư vấn trên nền tảng trực tuyến đã “chạm” được vào nhu cầu của học sinh, phù hợp xu thế và sở thích của các em, hiện đã trở thành kênh thông tin gần gũi với từng học sinh”, ông Phạm Đăng Khoa cho biết. Đến nay, đã có hàng ngàn lượt truy cập kênh thông tin này. Kênh đã tiếp nhận và hỗ trợ 250 trường hợp, trong đó tư vấn tâm lý cho 94 trường hợp.
Phòng tư vấn trực tuyến ra đời đã góp phần củng cố mối quan hệ gia đình – nhà trường – xã hội trong công tác chăm sóc học sinh toàn diện, giữ vững được lòng tin của gia đình và xã hội đối với nhà trường; vận động được mọi nguồn lực trong và ngoài nhà trường để chăm sóc cho học sinh.