Viện Nghiên cứu Tâm Anh cùng Viện Vi sinh và Chống dịch Stanford ký kết triển khai đào tạo xét nghiệm viêm gan siêu vi D đầu tiên tại Việt Nam và thử nghiệm lâm sàng thuốc mới chữa sốt xuất huyết, ung thư.
Hai bên ký kết vào rạng sáng 16/11 (giờ Việt Nam), tại Đại học Stanford (Mỹ), với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn lãnh đạo cao cấp Việt Nam. Sự kiện này diễn ra trước khi Chủ tịch nước dự Hội nghị APEC 2023, đồng thời hiện thực hóa những chương trình mục tiêu quan trọng được đặt ra trong cuộc gặp giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tại Việt Nam hồi tháng 9.
Theo đó, Viện Nghiên cứu Tâm Anh cùng Viện Vi sinh và Chống dịch Stanford triển khai đào tạo xét nghiệm viêm gan siêu vi D, thử nghiệm lâm sàng thuốc sốt xuất huyết và các loại thuốc mới khác. Tiếp theo, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ triển khai kỹ thuật xét nghiệm viêm gan siêu vi D trong nước ngay khi hoàn thành tiếp nhận đào tạo từ Stanford.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao sự hợp tác giữa hai Viện. Hai bên cùng nghiên cứu các biện pháp phòng chống dịch bệnh và tạo ra những loại thuốc mới để chống ung thư, tầm soát kiểm tra sớm các loại virus.
“Sự hợp tác này có ý nghĩa nghiên cứu, thương mại và quan trọng nhất là mang đến những thành tựu mới trong chăm sóc sức khỏe con người. Nhà nước Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ và cùng các đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hợp tác sớm mang lại kết quả”, Chủ tịch nước nói.
Giáo sư Ruth O’Hara, nguyên Chủ tịch hội đồng giáo sư, Phó chủ tịch Đại học Y Stanford về các nghiên cứu, giữ trách nhiệm phụ trách vấn đề ngân sách nghiên cứu cho Đại học Y Stanford, nói rằng chúng ta đang trong cuộc cách mạng về công nghệ y sinh. Việc tập hợp được những đơn vị đẳng cấp thế giới để tạo ra các nghiên cứu hàng đầu là phương thức cùng nhau giải quyết những thách thức cấp bách về sức khỏe cộng đồng hiện nay.
Cùng quan điểm này, ông David Entwistle, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Stanford Medicine, khẳng định Hệ thống y khoa Stanford hợp tác với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Viện nghiên cứu Tâm Anh, là sáng kiến mô hình chủ động về an ninh sinh học nhằm tạo ra các liệu pháp chống virus mới, giúp bảo vệ khỏi các mối đe dọa trong tương lai.
Lễ ký kết lần này là kết quả của thời gian dài cả hai Viện triển khai nhiều bước chuẩn bị. Giáo sư Jeffrey Glenn, Viện trưởng Vi sinh và Chống dịch Stanford, nói rằng đã cân nhắc, tìm hiểu, đánh giá các yếu tố cần thiết trước khi chọn Viện Nghiên cứu Tâm Anh là nơi triển khai các đào tạo, thử nghiệm lâm sàng trong khám, chữa bệnh.
“Chúng tôi cho rằng Tâm Anh là hệ thống bệnh viện, viện nghiên cứu có đầy đủ yếu tố nhân lực tốt và máy móc thiết bị hiện đại”, ông Jeffrey Glenn cho biết. Trong khi đó, Viện Vi sinh và Chống dịch Stanford được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) chọn là một trong 9 trung tâm nghiên cứu thuốc đặc trị siêu vi cho các loại virus có nguy cơ gây đại dịch, với kinh phí dự trù lên tới 1,2 tỷ USD.
Về phía Việt Nam, theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu Tâm Anh, đơn vị đã chọn các chuyên gia, bác sĩ giỏi tiếp nhận đào tạo tại Stanford về lâm sàng (khám, chữa bệnh) và labo (phòng xét nghiệm). Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có lợi thế sở hữu ba bệnh viện lớn tại Hà Nội và TP HCM, hệ thống phòng labo hiện đại, đội ngũ nhân sự chuyên môn cao để nhanh chóng triển khai các kỹ thuật xét nghiệm quan trọng như viêm gan siêu vi D số lượng lớn.
“Hợp tác lần này vừa mang lại những giá trị về mặt khoa học vừa là cơ hội nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị cho người dân Việt Nam”, giáo sư Tuấn nói.
Việt Nam ghi nhận khoảng hơn 10 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tính. Tỷ lệ chuyển biến thành xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan cao. Người nhiễm đồng thời virus viêm gan B và D thì nguy cơ xơ gan và ung thư gan còn tăng gấp nhiều lần.
Việt Nam chưa thực hiện được xét nghiệm viêm gan D. Do đó, theo giáo sư Tuấn, việc tiếp nhận đào tạo về kỹ thuật xét nghiệm từ Stanford có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quản lý bệnh viêm gan do virus tại Việt Nam, giúp quá trình chẩn đoán, điều trị chính xác hơn, hiệu quả hơn. Hiểu biết rõ về bệnh viêm gan siêu vi D cũng sẽ có lợi cho các công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc tế sau này.
Ngay sau sự kiện ký kết, chuyên gia hai Viện tiến hành các hoạt động chuyên môn dự kiến kéo dài 6-12 tháng và hoàn thành các chứng chỉ khoa học quan trọng. Sau đó hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai xét nghiệm viêm gan siêu vi D tại ba bệnh viện.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Tâm Anh cũng chuẩn bị thủ tục để triển khai những nghiên cứu lâm sàng nhiều loại thuốc mới từ các nhà khoa học Stanford, trong đó quan trọng là thuốc điều trị sốt xuất huyết và ung thư.
Viện nghiên cứu Tâm Anh trực thuộc hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, mục tiêu thực hiện các nghiên cứu liên quan đến bệnh lý, vaccine; tiến hành thử nghiệm lâm sàng các phương pháp phòng ngừa và điều trị mới.
Vnexpress.net