Ngành thú y Việt Nam ghi dấu ấn quan trọng khi tự chủ sản xuất và xuất khẩu thành công nhiều loại vaccine, góp phần bảo vệ sức khỏe vật nuôi và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Quang cảnh diễn đàn |
Ngày 28/12, Cục Thú y, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam”.
Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vaccine
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh nhiều biến thể dịch bệnh như hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh trong chuồng trại và đàn vật nuôi phải được thực hiện một cách chặt chẽ và bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo bà Thủy: “Vaccine là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại, giúp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm (ATTP). Sử dụng vaccine không chỉ giúp giảm bệnh truyền nhiễm mà còn đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn cho vật nuôi”.
Thời gian qua, nhờ những tiến bộ không ngừng và các kết quả nghiên cứu vaccine qua nhiều thế kỷ, cả con người và vật nuôi đều được hưởng lợi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vaccine.
Ông Nguyễn Đăng Đại, Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên), cho biết, địa bàn là nơi đầu tiên phát hiện dịch tả lợn Châu Phi. Trong quá trình phòng, chống dịch, tỉnh đã kết hợp nhiều biện pháp để dập dịch.
Hiện Hưng Yên áp dụng 8 loại vaccine phòng, chống dịch, chia làm 2 giai đoạn trong năm, trên tổng thời gian 6 tháng. “Với những loại vaccine được đấu thầu, sử dụng vaccine là rất tốt”, ông Đại chia sẻ.
Ông Đặng Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đã xác định đầu tư ngân sách để mua các loại vaccine quan trọng, đặc biệt là 5.000 liều vaccine dịch tả lợn Châu Phi của AVAC, vaccine H5N6 và các loại khác.
Theo ông Hiệp, Thanh Hóa luôn đi đầu trong công tác kiểm dịch, triển khai tiêm phòng cho cả hộ trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của cán bộ thú y. Đồng thời, chủ động dự trữ nguồn vaccine và triển khai phòng ngừa nhanh chóng để ngăn dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Nhờ đó, Thanh Hóa hiện nay cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh tầm quan trọng phải sản xuất vaccine thú y trong nước để đối phó với tình trạng dịch bệnh gia tăng trên động vật tại Việt Nam. Dịch bệnh trên các loài gia súc, gia cầm và động vật hoang dã đang ngày càng gia tăng, mặc dù hiện nay dịch tả lợn Châu Phi và dịch bệnh trên trâu bò cơ bản được kiểm soát.
Cục trưởng Cục Thú y cũng khẳng định việc sử dụng vaccine là vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc kiểm soát dịch bệnh và khuyến nghị các chi cục chăn nuôi, thú y, thủy sản và các doanh nghiệp liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vaccine
Ông Lê Toàn Thắng – Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, hiện nay, Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO, trong đó 12 cơ sở sản xuất vaccine thú y; mức đầu tư khoảng 30-40 triệu USD/nhà máy (VAKSINDO, HANVET, NAVETCO, DABACO…). Các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đạt an toàn sinh học cấp độ II trở lên, trong đó có 2 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III; tổng ngành thú y có 7 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III.
Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine thú y của Việt Nam không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ với các nước hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Mỹ… với những công nghệ tiến nhất; các nhà khoa học, tổ chức như FAO, WOAH, đối tác quốc tế như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, CDC, các Phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế đối với các bệnh nguy hiểm trên động vật như cúm gia cầm , lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi, dại.
Hiện tại cả nước có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO với tổng số 218 loại vacxin và 340 loại vaccine nhập khẩu đã đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh trên gia súc, gia cầm trong nước.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vaccine thú y; đã sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng như: Cúm gia cầm (NAVET-VIFLUVAC) năm 2012); vaccine phòng bệnh tai xanh từ năm 2015; vaccine lở mồm long móng từ năm 2018; vaccine phòng bệnh dại từ năm 2019 và gần đây nhất là vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi (NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE) năm 2022.
Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất thành công và chính thức xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sang 5 nước, đánh dấu 1 thành tựu lớn được cả thế giới công nhận.
Trong thời gian tới, với những thành tựu và dấu ấn đã được thế giới ghi nhận, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và sáng tạo ra các loại vaccine mới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng.
“Với xu hướng xã hội hóa nguồn lực cùng sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành thú y và chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vaccine hiện đại”, bà Thủy chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vaccine trên thế giới tạo ra cơ hội cho Việt Nam học hỏi và hợp tác. Sự phát triển đáng kể trong hợp tác khoa học công nghệ và công nghệ sản xuất vaccine của Việt Nam đã tiếp cận trình độ thế giới.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/viet-nam-tu-tu-chu-den-xuat-khau-vaccine-thu-y-159417.html