Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1984 bằng Nghị quyết 39/46. Công ước có hiệu lực từ ngày 26/6/1987 sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn gia nhập.
Công ước Chống tra tấn là một trong bảy Công ước cốt lõi về nhân quyền của Liên hợp quốc. Đến hết tháng 5/2019, Công ước đã có 166 quốc gia thành viên.
Việt Nam là thành viên thứ 158 của Công ước CAT, gia nhập vào năm 2015. Kể từ đó, nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước CAT đã được Việt Nam nội luật hóa vào Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật tố cáo, Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự.
Cùng với đó, hàng trăm văn bản hướng dẫn liên quan đã chuẩn hóa các quy trình, công khai các quy định, bổ sung các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn cũng như hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân của hành vi tra tấn trong suốt quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, bồi thường thiệt hại.
Nỗ lực của Việt Nam trong thực thi Công ước
Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước CAT diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 11/2018. Tại phiên họp, Việt Nam nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của mình trong phòng, chống tra tấn và cập nhật những thông tin mới từ thời điểm nộp báo cáo đến nay.
Trong đó, đáng chú ý là Việt Nam đã ban hành Đề án phổ biến nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam về chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Mục tiêu là nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam có liên quan về phòng, chống tra tấn; giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Bộ Công an cũng triển khai thí điểm việc tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự tại 45 cơ sở và dữ liệu ghi âm, ghi hình được coi là một phần của hồ sơ vụ án hình sự; tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thực thi công vụ, các cán bộ điều tra, điều tra viên, quản giáo, cán bộ quản lý trại giam, trại tạm giam, cán bộ làm công tác hỗ trợ tư pháp, kiểm sát viên, thẩm phán; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đặc biệt là các vi phạm pháp luật hình sự có liên quan đến tra tấn.
Bên cạnh đó Việt Nam đã tiếp tục tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài trong phòng, chống tra tấn, thông qua việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tổ chức, thực thi Công ước cũng như thực tiễn các biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết bị có hiệu quả về phòng, chống tra tấn; tham gia, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế có liên quan đến chống tra tấn, góp phần tăng cường năng lực cho cán bộ Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Công an trong thực thi Công ước chống tra tấn.
Đoàn công tác Chính phủ Việt Nam đã trả lời các câu hỏi mà các thành viên của Ủy ban chống tra tấn nêu trong cuộc đối thoại và cũng nêu những khó khăn trong việc thực thi Công ước; nghiêm túc ghi nhận các khuyến nghị để có các phương hướng thực thi tốt hơn Công ước trong thời gian tới.
Việt Nam đã trình bày và bảo vệ thành công báo cáo, đồng thời được Ủy ban chống tra tấn đánh giá cao.
Việt Nam cam kết mạnh mẽ về việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, thực hiện những bước đi chất lượng, vững chắc trong ngăn ngừa và trừng trị mọi hành vi vi phạm quyền con người nói chung và có liên quan đến tra tấn nói riêng, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của Việt Nam.
Tiếp tục triển khai thực hiện Công ước
Hiện Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo báo cáo quốc gia lần thứ 2 của Việt Nam về thực thi Công ước CAT.
Dự thảo báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để tăng cường thực hiện hiệu quả Công ước CAT trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam đã ban hành hơn 56 luật và các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tốt hơn quyền con người nói chung và ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn nói riêng.
Để triển khai thi hành các luật, Việt Nam tiếp tục ban hành hơn hàng trăm văn bản hướng dẫn nhằm chuẩn hóa các quy trình, công khai các quy định, bổ sung các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn cũng như hỗ trợ tốt hơn cho những nạn nhân của hành vi tra tấn.
Bên cạnh đó, Việt Nam tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; mở nhiều chuyên mục, đăng tải nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến, giải đáp pháp luật liên quan đến nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trên các phương tiện thông tin truyền thông, các chương trình phát thanh, truyền hình, mạng xã hội…
Cùng với những kết quả thực hiện Công ước CAT mà Việt Nam đã đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số vấn đề nội tại cần được quan tâm giải quyết; một số khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Công ước CAT và khuyến nghị phù hợp của Ủy ban CAT.
Vì vậy, quan điểm chính sách và cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện Công ước là xác định mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, thực hiện công tác bảo đảm nhân quyền, đặc biệt là triển khai, thực hiện nghiêm túc Công ước CAT, các công ước cơ bản về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.
Việc tham gia và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước CAT cũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại và trao đổi với các nước và tổ chức quốc tế về nhân quyền.
Dự thảo Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước CAT đã được đưa ra thảo luận, tham vấn ý kiến tại Hội thảo Tham vấn ý kiến rộng rãi của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân về dự thảo Báo cáo CAT 2, diễn ra ngày 20/11/2023.
Hoa Vũ