Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030” là có 100% giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Quyết định số 142/QĐ-TTg đã phê duyệt Chương trình Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030.
Đến năm 2021, cả nước chỉ có 6 tiếng DTTS được tổ chức dạy học chính thức gồm: tiếng Mông; Ê đê; Jrai; Bahnar; Chăm và Khmer tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hàng năm khoảng hơn 600 trường học, với 4.500 lớp học và 110 nghìn học sinh được học tiếng DTTS. Số học sinh được học tiếng DTTS chiếm khoảng 3,9% tổng số học sinh DTTS ở cấp học phổ thông.
Thời điểm đó có 7 tiếng DTTS đang triển khai dạy thực nghiệm trong trường phổ thông là: Hoa; Chăm; Thái; Cơ-Tu; Tà ôi; Pa cô; Bru Vân Kiều.
Thống kê cho biết, năm học 2020-2021, cả nước có 1026 giáo viên tiếng dân tộc thiểu số, chiếm 0,2% tổng số giáo viên các cấp học phổ thông. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số có ở cả ba cấp học thuộc bậc học phổ thông, trong đó cấp Tiểu học chiếm gần 90% số giáo viên tiếng dân tộc thiểu số trong cả nước.
Đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS nhìn chung trình độ còn thấp. Hiện nay chỉ có giáo viên tiếng Khmer được đánh giá là cơ bản đạt trình độ chuẩn đào tạo về chuyên môn tiếng dân tộc theo quy định. Giáo viên tiếng DTTS còn lại đều chưa có giáo viên đạt chuẩn đào tạo về tiếng DTTS.
Chương trình Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt sẽ giải quyết một phần thực tế này, trước hết nâng số tiếng dân tộc thiểu số đưa vào giảng dạy chính thức lên 8 tiếng từ năm học 2022-2023.
Chương trình đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể cho từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2025 sẽ hoàn thành biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 8 tiếng dân tộc thiểu số đã được ban hành chương trình môn học (gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái).
Bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng dân tộc thiểu số sau khi biên soạn.
Ban hành mới ít nhất 1 chương trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông.
Đảm bảo đủ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số, trong đó 45% giáo viên có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Đến năm 2030, Chương trình có mục tiêu ban hành mới ít nhất 02 chương trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông; Ban hành sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc trung học đối với những tiếng dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện biên soạn; sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với những tiếng dân tộc thiểu số mới ban hành chương trình.
Bên cạnh đó, bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học đối với các tiếng dân tộc thiểu số sau khi biên soạn.
Đặc biệt, phấn đấu đạt 100% giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Để quá trình triển khai diễn ra thuận lợi, đạt được các mục tiêu của từng giai đoạn đã đặt ra, Quyết định cũng chỉ rõ những nhiệm vụ và giải pháp mà Chương trình Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030 phải thực hiện, gồm: Phát triển chương trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số; Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếng dân tộc thiểu số; Tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng dân tộc thiểu số; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học tiếng dân tộc thiểu số và Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
Quyết định cũng quy định rõ việc triển khai Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
Hải Anh