Việt Nam nỗ lực cùng thế giới đảm bảo quyền con người trước biến đổi khí hậu

Phan SươngPhan Sương18/12/2023

Quyền được sống trong một môi trường trong lành là quyền tự nhiên của con người, là quyền rất quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cùng với các tiêu chí dùng đánh giá chất lượng cuộc sống như thu nhập bình quân đầu người, hệ thống an sinh xã hội.

Cộng đồng quốc tế thừa nhận đây là quyền quan trọng hàng đầu, là mục tiêu hoạt động bảo vệ môi trường và các quốc gia đều ghi nhận quyền này trong các văn bản pháp luật của mình.

Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó, với tư cách quốc gia đã ký các tuyên bố của Liên hợp quốc về môi trường và quyền con người, biến quyền được sống trong môi trường trong lành thành nguyên tắc pháp lý và thực tế nó đã là nguyên tắc trong pháp luật môi trường Việt Nam.

[caption id="attachment_596143" align="alignnone" width="798"] Việt Nam nằm trong nhóm những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. (Ảnh: Quỹ Cộng đồng Phòng chống thiên tai)[/caption]

Sớm nhận thức và hành động

Việt Nam thuộc nhóm những nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Dự báo, từ nay đến cuối thế kỷ 21, mức nhiệt trung bình hằng năm tại Việt Nam ước tính tăng 2 - 3 độ C, dẫn đến mực nước biển tăng, trực tiếp tác động đến 10-12% dân số và gây thiệt hại khoảng 10% GDP.

Tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người ngày càng rõ rệt. Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tình trạng khí hậu khắc nghiệt, thiên tai ngày càng tăng như lũ lụt và hạn hán kéo dài, nắng nóng cao độ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người thông qua các tác động gây ô nhiễm không khí, thiếu nước, thiếu lương thực, dinh dưỡng, cũng như làm tăng các bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm, bệnh về tinh thần. Các tác động tiêu cực này thể hiện rõ nhất ở các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật.

Chỉ tính trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng rõ nhất từ biến đổi khí hậu là dẫn đến mất mùa nên khả năng tái đầu tư, sản xuất của đối tượng này là rất khó khăn vì họ thiếu vốn, cho nên tình trạng nghèo đói của người nghèo sẽ càng nghiêm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Đối với các hộ nghèo, nhà ở tạm bợ nên có nguy cơ ảnh hưởng lớn bởi sạt lở bờ sông, lũ lụt, mưa bão, nắng nóng, nhất là những hộ di cư; nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo cho điều kiện sống, đặc biệt khi có thiên tai và thời tiết cực đoan; cơ sở hạ tầng dành cho đối tượng này yếu cũng gây khó khăn đối với việc đi lại và hỗ trợ cho họ.

Là một quốc gia đang phát triển nên những tác động này đối với Việt Nam là rất lớn. Trước những thách thức này, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ứng phó với tác hại của biến đổi khí hậu gây ra.

Việt Nam đã sớm có Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 1993 được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005, 2014 và mới nhất, ngày 17/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Luật quy định: Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường.

Các nội dung về bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên; gắn trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 của Việt Nam quy định: “Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành”.

Việc bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng được thể hiện trong các quy định về xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường. Theo đó, quy hoạch bảo vệ môi trường phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm phát triển bền vững; quy hoạch sử dụng đất; bảo đảm nguyên tắc bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, việc bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu cũng gắn với xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các dự án đầu tư. Việc tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, dự án đầu tư phải dựa trên cơ sở đánh giá tác động qua lại giữa các hoạt động của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với môi trường, biến đổi khí hậu và xây dựng hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.

Chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng quy định việc bảo đảm quyền con người trong biến đổi khí hậu phải gắn với quản lý phát thải khí nhà kính, thu hồi năng lượng từ chất thải, trong sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường, trong phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Việc bảo đảm quyền con người cũng gắn với hoạt động khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

[caption id="attachment_596144" align="alignnone" width="1000"] Đoàn viên, thanh niên Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh: Tạp chí Mặt trận)[/caption]

Nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế

Bên cạnh tập trung nguồn lực, hành động thiết thực thông qua hệ thống chính sách công, huy động khu vực tư nhân, ưu tiên các đối tượng dễ tổn thương, Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế liên quan.

Tại Khóa họp lần thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức tại trụ sở của Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ) tháng 7/2022, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines đồng tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời, giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực và biến đổi khí hậu.

Đây là Nghị quyết được Việt Nam, Bangladesh và Philippines giới thiệu hằng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ em, quyền sức khỏe, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu).

Mới nhất, Việt Nam là một trong 63 quốc gia đầu tiên tham gia Cam kết làm mát toàn cầu được công bố trong khuôn khổ Hội nghị COP28 tại Dubai (UAE) đầu tháng 12/2023.

Cam kết làm mát toàn cầu là sáng kiến do Chủ tịch COP28 của UAE đề xuất. Các tổ chức hỗ trợ là Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát - UNEP và các đối tác gồm Sáng kiến năng lượng bền vững cho tất cả (SEforALL) và Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA). Theo mục tiêu đề ra, lĩnh vực làm mát toàn cầu phải giảm ít nhất 68% phát thải khí nhà kính vào năm 2050 so với năm 2022, nhằm đóng góp thực hiện giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C và phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng toàn cầu bằng “0” đến năm 2050.

Việc Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu là cơ hội để triển khai các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước về làm mát bền vững. Cụ thể như chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao, sử dụng môi chất lạnh có giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, áp dụng các giải pháp làm mát thụ động, làm mát dựa vào tự nhiên… phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Điều này cũng góp phần thực hiện các điều ước quốc tế và quy định pháp luật của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Nội dung Cam kết làm mát toàn cầu phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022.

Hoa Vũ


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available