Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật ghép tế bào gốc mới nhất thế giới, song số ca ghép chưa cao, nhiều bệnh nhân không tìm được nguồn hiến phù hợp, cần có ngân hàng người hiến tế bào gốc để tăng cơ hội.
“Hiện nhiều gia đình ít con nên khả năng tìm người ghép cùng huyết thống rất thấp”, TS.BSCK2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyền học TP HCM, nói tại hội nghị ghép tủy xương – tế bào gốc tạo máu Việt – Pháp, ngày 24/11.
Chẳng hạn, gia đình có 4 con thì khả năng tìm được một người hiến phù hợp cao. Nếu có 2 đứa con, khả năng tìm người hiến phù hợp chỉ còn 50%, 25% ở gia đình một con. Do đó, việc tìm kiếm nguồn tế bào gốc không cùng huyết thống qua ngân hàng là rất cần thiết.
Hiện, bác sĩ Việt Nam thường liên hệ tìm kiếm nguồn tế bào gốc từ các ngân hàng người hiến trên thế giới, chủ yếu ở Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, xác suất tìm được không cao do sự khác biệt về di truyền học. “Nếu có được ngân hàng cho của người Việt Nam, khả năng tìm được nguồn phù hợp sẽ cao hơn”, bác sĩ Dũng nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu Huyền học TP HCM nói thêm rằng việc xây dựng ngân hàng tại Việt Nam phụ thuộc vào vấn đề chính sách, đòi hỏi phải có luật về người cho tế bào gốc, từ đó mới có thể xây dựng các quy trình tiếp nhận tế bào gốc.
Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, là cơ hội duy nhất giúp bệnh nhân máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh và trở về cuộc sống bình thường. Ca ghép tủy xương đầu tiên Việt Nam được Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM thực hiện 28 năm trước, giúp bệnh nhân hồi phục, lập gia đình, sinh con khỏe mạnh. Năm 2002, bệnh viện thực hiện ca ghép máu cuống rốn đầu tiên Việt Nam.
Đến nay, nhiều bệnh viện Việt Nam đã thực hiện được đầy đủ các kỹ thuật mới nhất của thế giới, ghép 3 loại tế bào gốc là tủy xương, máu cuống rốn, máu ngoại vi. Năm 2021, Việt Nam thực hiện kỹ thuật cao để chữa khỏi ung thư là ghép tế bào gốc đồng loài, phối hợp phác đồ hóa xạ trị (TBI). Bệnh nhân được hóa trị để làm sạch các tế bào ung thư, sau đó xạ trị toàn thân quét sạch các tế bào còn sót lại rồi ghép các tế bào máu mới.
Hiện, cả nước có hơn 10 bệnh viện có thể ghép tế bào gốc với hơn 1.000 bệnh nhân đã được ghép. Mới đây, TP HCM có thêm trung tâm ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Ung bướu TP HCM. Khoảng 10 năm trước, nhiều bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài điều trị do chưa tin tưởng kỹ thuật ghép trong nước. Gần đây, số ca điều trị nước ngoài ngày càng giảm.
Tỷ lệ thành công của ghép tế bào gốc tùy từng loại kỹ thuật ghép, bệnh mắc phải của người bệnh. Ví dụ, với kỹ thuật ghép đồng loại ở người bạch cầu cấp dòng tủy, ở người nhóm nguy cơ cao thì tỷ lệ sống sau ghép là khoảng 50% bệnh nhân sống trên 5 năm. Nhóm bệnh lành tính như suy tủy xương thì tỷ lệ sống 10 năm lên tới 70%.
Lê Phương