Bệnh viện Trung ương Huế thông báo đã thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại cho bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia), mở ra nhiều cơ hội sống mới cho các bệnh nhân khác.
Tin mới y tế ngày 20/12: Bước tiến quan trọng trong điều trị bệnh tan máu bẩm sinh
Bệnh viện Trung ương Huế thông báo đã thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại cho bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia), mở ra nhiều cơ hội sống mới cho các bệnh nhân khác.
Ghép tủy đồng loại cho hai bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh
Hai ca ghép tủy đồng loại này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Việt Nam, khi bệnh viện tiếp tục áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại cho trẻ em mắc các thể bệnh thalassemia. Đây cũng là thành công tiếp nối của hai ca ghép đầu tiên được thực hiện trước đó.
Ca ghép thứ ba là của bệnh nhi H.A.D., 38 tháng tuổi, quê Quảng Trị, được phát hiện mắc bệnh alpha-thalassemia cách đây một năm và phải truyền máu hàng tháng.
Sau khi xét nghiệm HLA, cháu bé phù hợp hoàn toàn với anh ruột 8 tuổi và được tiến hành ghép tủy vào ngày 12/11. Sau ca ghép, các chỉ số sức khỏe của cháu đã phục hồi tốt, với tiểu cầu phục hồi vào ngày thứ 10 và bạch cầu hạt phục hồi vào ngày thứ 19.
Ca ghép thứ tư là của cháu Đ.M.A.T., 10 tuổi, đến từ TP. Đà Nẵng, được chẩn đoán mắc bệnh alpha-thalassemia từ khi 20 ngày tuổi. Mặc dù phải nhập viện để truyền máu hàng tháng, sau khi kiểm tra HLA, cháu bé cũng phù hợp hoàn toàn với anh ruột 15 tuổi và được ghép tủy đồng loại vào ngày 27/11.
Quá trình ghép diễn ra thành công, mặc dù cháu gặp biến chứng sốt giảm bạch cầu hạt nhẹ nhưng nhanh chóng hồi phục, với tiểu cầu phục hồi vào ngày thứ 21 và bạch cầu hạt phục hồi vào ngày thứ 19.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, thành công của hai ca ghép tủy đồng loại lần này là một bước tiến vượt bậc trong việc điều trị bệnh tan máu bẩm sinh. Ghép tủy đồng loại không chỉ giúp các bệnh nhi thoát khỏi sự lệ thuộc vào truyền máu thường xuyên mà còn giúp trẻ phát triển bình thường, không còn phải thải sắt hàng ngày.
Bệnh tan máu bẩm sinh, một bệnh lý di truyền gây thiếu máu hồng cầu nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Đối với các trường hợp nặng, trẻ phải lệ thuộc vào truyền máu thường xuyên, gây ứ sắt trong cơ thể và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Ghép tủy đồng loại được xem là phương pháp điều trị tối ưu giúp phục hồi sức khỏe và mang lại cơ hội sống khỏe mạnh cho trẻ.
Ngoài việc ghép tủy đồng loại, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã thực hiện thành công ca ghép tủy tự thân thứ 40 cho bệnh nhi Nguyễn Phước Quỳnh M., 4,5 tuổi, đến từ Tiền Giang, mắc bệnh u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân này giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị bệnh u nguyên bào thần kinh.
Bệnh viện Trung ương Huế hiện là bệnh viện duy nhất tại Việt Nam có đủ các mô thức điều trị bệnh lý u nguyên bào thần kinh, bao gồm hóa chất, phẫu thuật, ghép tủy và xạ trị.
Với những thành công này, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc ứng dụng các kỹ thuật y tế tiên tiến, mang lại hy vọng và cơ hội sống cho các bệnh nhân mắc bệnh lý nguy hiểm.
Cảnh báo tai nạn do pháo tự chế
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp bệnh nhi bị tai nạn nghiêm trọng do chế tạo pháo, trong đó có một số ca bỏng độ 2 và gãy hở xương bàn ngón tay. Các trường hợp này một lần nữa cảnh báo nguy cơ từ việc chế tạo và sử dụng pháo tự chế, đặc biệt trong dịp lễ, Tết.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi Đ.S.R. (12 tuổi, Bình Phước), nhập viện với vết thương nghiêm trọng ở bàn tay trái sau khi tự chế pháo bằng bột diêm và vòi xe. Vụ nổ đã khiến tay trái của em bị thương nặng, chảy máu nhiều.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi A.T.V. (12 tuổi, Gia Lai), bị bỏng độ 2 diện rộng lên đến 35% cơ thể, bao gồm mặt, ngực, tay và chân do chơi pháo gây nổ. Tại bệnh viện, V. được điều trị khẩn cấp và phẫu thuật.
Trường hợp thứ ba là bệnh nhi H.K.B. (12 tuổi, Lâm Đồng), bị bỏng khi cùng anh trai tự chế pháo. Khi pháo nổ, B. không kịp chạy và bị bỏng ở nhiều vùng trên cơ thể.
Các bác sỹ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, nhiều trường hợp tai nạn do pháo nổ thường xảy ra vào cuối năm, khi nhu cầu chơi pháo và chế tạo pháo tự chế gia tăng. Những tai nạn này không chỉ để lại những vết thương nặng nề, mà còn có thể gây mất chức năng vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ em.
BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó trưởng Khoa Bỏng – Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 2 cảnh báo, gia đình và nhà trường cần nhắc nhở trẻ tuyệt đối không tự ý chế tạo hoặc sử dụng pháo nổ, đặc biệt trong độ tuổi hiếu động và tò mò. Phụ huynh cũng nên giáo dục trẻ về các mối nguy hiểm của pháo, từ bỏng nặng, thương tích đến tàn tật, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, bác sỹ Ngọc Ngà cũng nhấn mạnh, tổn thương do pháo nổ là rất phức tạp và khó điều trị. Những ca tai nạn này thường gây thương tích ở nhiều vùng cơ thể như bàn tay, mặt và thân thể. Quá trình điều trị lâu dài và tốn kém, đồng thời để lại những di chứng nặng nề.
Vừa qua, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cho biết cơ sở này thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do tai nạn pháo tự chế.
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng, trường học và cộng đồng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho trẻ em và phụ huynh về sự nguy hiểm của pháo nổ. Đồng thời, khuyến khích người dân tuân thủ các quy định về quản lý pháo, tránh chế tạo và sử dụng pháo tự chế, từ đó hạn chế các vụ tai nạn thương tâm có thể xảy ra.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-2012-buoc-tien-quan-trong-trong-dieu-tri-benh-tan-mau-bam-sinh-d233070.html