Viện nghiên cứu Anh nhận định Nga có đủ vũ khí dự trữ và năng lực sản xuất để bù đắp thiệt hại tại Ukraine trong ít nhất 2-3 năm.
“Dù tổn thất trung bình hàng trăm thiết giáp và khẩu pháo mỗi tháng, Nga vẫn có thể duy trì được số lượng vũ khí ổn định trong kho”, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở tại Anh, cho biết trong báo cáo hồi đầu tuần.
Thông qua hình ảnh vệ tinh, IISS xác định Nga có ít nhất 12 căn cứ dự trữ pháo, 10 căn cứ xe tăng và 37 kho chứa thiết bị quân sự. Trong năm 2023, Moskva đã tái kích hoạt ít nhất 1.180-1.280 xe tăng chiến đấu chủ lực và khoảng 2.470 thiết giáp từ trong kho, đồng thời sản xuất thêm nhiều khí tài hạng nặng mới để phục vụ chiến sự.
“Nga đủ năng lực để duy trì chiến dịch tại Ukraine thêm 2-3 năm với tốc độ tiêu hao khí tài hiện tại, thậm chí có thể lâu hơn nữa”, báo cáo của IISS nhận định.
Bộ Quốc phòng Anh ngày 29/1 cho biết lực lượng Nga tại Ukraine đã mất tối đa 365 xe tăng chiến đấu chủ lực tính từ tháng 10/2023, đồng nghĩa với hơn 100 chiếc mỗi tháng. Tuy nhiên, sản lượng xe tăng hàng tháng hiện nay của Nga dường như đủ bù đắp tổn thất trên chiến trường.
“Nga một tháng hiện có thể sản xuất ít nhất 100 xe tăng chiến đấu chủ lực, đủ khả năng bù đắp thiệt hại và tiếp tục duy trì nhịp độ tiến công trong thời gian tới”, Bộ Quốc phòng Anh khi đó cho biết.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng chúng chủ yếu là các mẫu xe tăng cũ được tân trang chứ không phải các phiên bản mới, nên sẽ không thể đạt hiệu quả cao trên chiến trường.
Về phía Ukraine, IISS cho biết Kiev vẫn duy trì được số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực ở mức tương đương trước xung đột, đồng thời có nhiều thiết giáp hơn nhờ nguồn cung từ phương Tây. Tuy nhiên, con số này là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trên tiền tuyến, khiến một số đơn vị Ukraine không có đủ khí tài để phát huy tối đa năng lực tác chiến.
Quan chức, binh sĩ nước này gần đây cũng thường xuyên phàn nàn về tình trạng thiếu hụt vũ khí và đạn dược, đặc biệt là đạn pháo, trong bối cảnh viện trợ từ phương Tây sụt giảm. Liên minh Châu Âu (EU) hôm 1/2 đã duyệt khoản viện trợ bổ sung trị giá 54 tỷ USD cho Ukraine sau nhiều tuần bị Hungary phản đối, song các nỗ lực hỗ trợ mới nhất của Washington cho Kiev vẫn đang mắc kẹt tại quốc hội.
Thượng viện Mỹ ngày 13/2 đã thông qua gói viện trợ trị giá hơn 95 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có 60 tỷ USD hỗ trợ quân sự và các nhu cầu khác. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cảnh báo cơ quan này sẽ bác dự luật của Thượng viện, do phe Cộng hòa cho rằng các điều khoản về an ninh biên giới được bổ sung vào dự luật chưa đủ mạnh.
Phạm Giang (Theo Business Insider, AFP, Reuters)