Tin mới y tế ngày 18/6: Viêm phổi nặng kéo dài do suy giảm miễn dịch
Một cơ sở y tế đa khoa vừa chữa trị kịp thời trường hợp bệnh nhi liên tục nhập viện vì viêm phổi, viêm tai, nằm viện kéo dài cả tháng, căn nguyên do suy giảm miễn dịch.
Viêm phổi nặng kéo dài do suy giảm miễn dịch
Bé Quân 5 tuổi tại quận 12 bị sốt cao, ho có đàm, sổ mũi dịch xanh. Đi khám tại phòng khám, bác sĩ chẩn đoán viêm họng, cho sử dụng thuốc kháng sinh một tuần. Đến ngày thứ 7 tình trạng không đỡ, bé còn sốt cao, ho đàm nhiều, ăn uống giảm, được gia đình đưa đến khám tại bệnh viện.
Một cơ sở y tế đa khoa vừa chữa trị kịp thời trường hợp bệnh nhi liên tục nhập viện vì viêm phổi, viêm tai, nằm viện kéo dài cả tháng, căn nguyên do suy giảm miễn dịch. |
Kết quả X-quang xác định bé viêm phế quản phổi, tràn dịch màng phổi trái, xét nghiệm máu gợi ý tình trạng nhiễm trùng.
Qua khai thác bệnh sử, gia đình kể Quân nhiều lần nhập viện vì viêm phổi, viêm tai giữa, mỗi đợt điều trị kéo dài 1-3 tuần. Lần gần nhất vào cuối tháng 3/2024, Quân điều trị viêm phổi tại một bệnh viện nhưng không đáp ứng kháng sinh, nằm viện kéo dài đến 24 ngày. Vừa xuất viện 3 tháng em lại tái phát.
BS.CKI Võ Thị Minh Tuyền, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bác sĩ nghi tình trạng nhiễm trùng tái phát này do suy giảm miễn dịch.
Bé được lấy máu xét nghiệm định lượng globulin miễn dịch IgG, IgM và IgA. Đây là những thành phần có vai trò trong hệ thống miễn dịch, chịu trách nhiệm chống lại bệnh nhiễm trùng do các tác nhân như vi trùng, vi rút, nấm, kí sinh trùng,…
Kết quả bé thiếu hụt tất cả kháng thể này, xác định suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Trong đó kháng thể IgG rất thấp, chỉ 3,12 mg/dL (ngưỡng bình thường là 540-1822 mg/dL).
Vì suy giảm miễn dịch, cơ thể Quân vắng mặt hoặc khiếm khuyết ở một hoặc nhiều thành phần chính của hệ thống miễn dịch.
Từ đó cơ thể không có khả năng chống lại tác nhân như virus, vi khuẩn. “Đây là nguyên nhân khiến bé liên tục ốm, điều trị dai dẳng và tái phát nhiều đợt”, bác sĩ Tuyền lý giải.
Suy giảm miễn dịch thường chia thành 2 nhóm lớn, nguyên phát (bẩm sinh) và thứ phát do mắc phải (nhiễm HIV, dùng thuốc ức chế miễn dịch, xạ trị…).
Tại Mỹ, tỷ lệ suy giảm miễn dịch nguyên phát ước tính là 1 trên 2.000 người. Theo Viện Nhi Trung ương, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 9.000 người mắc bệnh, mới chỉ chẩn đoán và điều trị được khoảng 450 bệnh nhân trên cả nước (chiếm gần 5%).
Theo bác sĩ Tuyền, khi cơ thể bị tác nhân bên ngoài xâm nhập, hệ thống miễn dịch sẽ phát hiện và tấn công chúng. Trẻ bị suy giảm miễn dịch, hệ thống miễn dịch không thể hoạt động, hoặc bị tổn hại nghiêm trọng, trẻ có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng nặng, tái phát, có thể gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể hoặc có thể tử vong.
Để chữa bệnh cho Quân, bác sĩ dùng thuốc kháng sinh tĩnh mạch phối hợp điều trị viêm phổi, kết hợp truyền Gamma globulin.
Đây là chế phẩm vô trùng chứa các kháng thể đậm đặc được làm từ huyết tương người. Globulin được sử dụng để tăng cường khả năng của hệ thống miễn dịch nhằm làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Sau 10 ngày nằm viện và truyền chế phẩm, Quân được xét nghiệm kiểm tra lại chỉ số định lượng globulin miễn dịch IgG, IgM và IgA. Kết quả các chỉ số kháng thể trả về gần mức người bình thường, bé được xuất viện và tái khám theo hẹn.
Những em bé gặp tình trạng như Quân nếu được truyền kháng thể mỗi tháng vẫn có thể phòng ngừa bệnh nhiễm trùng, giúp trẻ học tập, vui chơi, sống khỏe mạnh. Tùy vào nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch, các phương pháp điều trị khác bao gồm cấy tế bào gốc (ghép tuỷ), liệu pháp enzyme thay thế, interferon thay thế,..
Bác sĩ Tuyền khuyến cáo, trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh có dấu hiệu nhận biết gồm nhiễm trùng tái phát nhiều lần ở tai, xoang, phổi, da, màng não, tiêu chảy kéo dài, nhiễm nấm da…, nhiễm trùng kéo dài, kém đáp ứng điều trị, nhiễm trùng nặng, trẻ suy dinh dưỡng chậm tăng cân,…
Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ sẽ có thể có được chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Để quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt, phụ huynh cần chăm sóc trẻ kỹ càng, giảm yếu tố virus, vi khuẩn tấn công như tắm rửa, vệ sinh tay thường xuyên bằng xà bông, đánh răng thường xuyên.
Bác sĩ khuyến cáo trẻ nên tập thể dục đều đặn, xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tránh cho trẻ đến nơi có dịch bệnh nguy hiểm hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm.
Cứu thành công ca bệnh ngừng tuần hoàn
Với sự hỗ trợ của bác sĩ nội trú Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các cơ sở y tế tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa tại Lào Cai đã triển khai được nhiều kỹ thuật, trong đó có cấp cứu ngừng tuần hoàn, mang lại chất lượng điều trị chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.
Bệnh nhân nam (sinh năm 1956) được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn, Lào Cai với chẩn đoán suy tim EF 15%, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trước đó, người bệnh đã được điều trị tại Bệnh viện tỉnh Lào Cai 2 tuần, được mở khí quản và chuyển Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn điều trị tiếp.
Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn, tình trạng của người bệnh đang ổn định, đột ngột xuất hiện mất ý thức. Cùng các bác sĩ Khoa Cấp cứu tại đây, bác sĩ Nguyễn Văn Ánh, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội ngay lập tức tiếp cận người bệnh.
Các bác sĩ đánh giá người bệnh có dấu hiệu ngừng tuần hoàn nên đã triển khai phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao. Sau hơn 30 phút với 4 lần sốc điện, kèm sử dụng các thuốc trong cấp cứu như adrenalin, lidocain, magie sulfat… người bệnh dần khôi phục tuần hoàn trở lại.
Do người bệnh được phát hiện sớm, đồng thời, nhân viên y tế tại khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn đã được đào tạo lại về cấp cứu ngừng tuần hoàn nên việc tiếp cận, đánh giá kèm xử trí vô cùng nhanh chóng.
Người bệnh sau cấp cứu đã khôi phục ý thức hoàn toàn, cắt được vận mạch, thở máy hỗ trợ. Hiện tại, người bệnh đã được rút ống mở khí quản, xuất viện và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường tại nhà.
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử nhiều đoàn bác sĩ nội trú về huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Lào Cai nhằm tạo cơ hội cho người dân tại đây được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Trường hợp người bệnh trên may mắn được cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công ngay ở tuyến huyện.
Khi về công tác tại cơ sở y tế này, bác sĩ Ánh đã có trao đổi với các đồng nghiệp tại Bệnh viện Văn Bàn về cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Vì thế, ngay khi người bệnh đột ngột mất ý thức đúng lúc đang giao ban bệnh viện, điều dưỡng tại bệnh phòng đã tiếp cận, lập tức ép tim sau khi đánh giá có ngừng tuần hoàn. Đồng thời, khẩn trương báo động cho những nhân viên y tế khác. Các bác sĩ có mặt ngay sau đó, quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn được triển khai.
Chia sẻ về thời điểm cấp cứu khẩn cấp, bác sĩ Ánh cho hay, thông thường, những ca ngừng tim từ 30 phút sẽ có kỳ vọng tim đập trở lại rất thấp.
Theo các bác sĩ, ngừng tuần hoàn là trường hợp cấp cứu thường gặp tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, nhưng ít gặp ở các bệnh viện tuyến huyện.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, để nâng cao hiệu quả trong công tác cấp cứu, việc đào tạo đặc biệt là đào tạo về cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao cần phải được tiến hành thường xuyên cho nhân viên y tế.
Chương trình hợp tác hỗ trợ chuyên môn giữa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn nói riêng cũng như các bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Lào Cai nói chung đã góp phần nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc người bệnh
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-186-viem-phoi-nang-keo-dai-do-suy-giam-mien-dich-d217885.html