Chẩn đoán bệnh còn khó khăn
Bệnh đa u tủy xương (Multiple Myeloma) là một bệnh máu ác tính, thường gặp ở người trên 65 tuổi. Bệnh đặc trưng bởi sự tăng sinh tích luỹ ác tính tế bào dòng plasmo trong tuỷ xương và một số cơ quan khác, gây phá huỷ xương, tạo thành nhiều ổ tiêu xương dẫn đến gãy xương bệnh lý, rối loạn chức năng nhiều cơ quan: suy thận, thiếu máu, suy giảm miễn dịch…
Là một trong những bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh đa u tủy xương, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương hiện điều trị cho gần 1.000 người bệnh đa u tuỷ xương. Mỗi năm có khoảng 150 ca bệnh được phát hiện mới và khoảng 700 – 800 người bệnh được theo dõi ngoại trú.
TS.BS. Vũ Đức Bình, phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho hay hiện nay nhiều người vẫn chưa biết đến căn bệnh này, việc chẩn đoán bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.
TS.BS Vũ Đức Bình (bên phải)
Biểu hiện của bệnh khá đa dạng với các triệu chứng phổ biến nhất như đau xương, thiếu máu, suy thận, mệt mỏi và nhiễm trùng tái diễn.
“Tuy nhiên, một số bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng cho đến khi họ vô tình phát hiện khối u phần mềm, gãy xương hoặc điều trị các bệnh lý khác.
Tại bệnh viện, có những bệnh nhân mắc suy thận, đau xương, đau khớp điều trị mãi không khỏi đến Viện kiểm tra và phát hiện mắc đa u tủy xương. Thậm chí, cũng có những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật xử lý xương, khối u sau đó mới phát hiện mắc bệnh đa u tủy xương.
Do bệnh xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau, biểu hiện bệnh khác nhau nên việc chẩn đoán còn khó khăn. Trong đó, có khoảng 10% bệnh ở mức độ nhẹ, cần thăm khám bởi các chuyên gia huyết học, viện có điều kiện thiết kỹ thuật mới có thể chẩn đoán”, TS.BS. Bình thông tin.
TS.BS. Đỗ Huyền Nga, trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện K cho hay theo thống kê trên thế giới, bệnh thường gặp ở người lớn tuổi (từ 60 trở lên) và ít gặp ở độ tuổi dưới 30.
“Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam chúng tôi vẫn tiếp nhận bệnh nhân dưới 30 tuổi. Bởi vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh là rất cần thiết để người bệnh có thể duy trì sức khỏe ổn định, kéo dài thời gian sống, chất lượng cuộc sống”, TS.BS. Nga thông tin.
Cuộc chiến trường kỳ
TS.BS. Hoàng Thị Thúy Hà, phó khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh đa u tủy xương. Cuộc chiến với căn bệnh đa u tủy xương là một cuộc chiến trường kỳ, cả cuộc đời bệnh nhân sẽ gắn với điều trị.
Trong giai đoạn đầu của điều trị duy trì, bệnh nhân phải đến bệnh viện 2 lần/tuần để tiêm thuốc. Hiện không ít bệnh nhân đa u xương tủy đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy phải thuê trọ gần bệnh viện để điều trị bệnh.
TS.BS. Hoàng Thị Thúy Hà
“Khó khăn của bệnh nhân là chi phí điều trị, đi lại, người thân phải chăm sóc, đưa đón. Đặc biệt là chi trả cho những loại thuốc sử dụng để điều trị duy trì. May mắn là đã có một loại thuốc được bảo hiểm chi trả 100%, một loại được bảo hiểm chi trả 50%.”
Mức chi phí thấp nhất khi điều trị duy trì là 4-5 triệu đồng/tháng. Việc sử dụng thuốc uống sẽ cải thiện được tình trạng bệnh. Bệnh nhân có thể được điều trị ngoại trú, lấy thuốc theo tháng và thăm khám định kỳ giúp bệnh nhân giảm chi phí”, TS.BS. Hà chia sẻ.
TS.BS. Nga cũng cho rằng hiện việc điều trị đa u tủy xương tại Việt Nam so với những nước Đông Nam Á đã có nhiều thuận lợi bởi bảo hiểm đã có chi trả một số thuốc.
“Tuy nhiên, với phác đồ điều trị theo lịch tiêm như hiện nay, chúng ta cần tìm cách để giãn khoảng thời gian bệnh nhân phải đến bệnh viện.
Thực tế, trong năm đầu tiên điều trị tấn công, tỉ lệ bệnh nhân bỏ điều trị khoảng 15% – 20% do bệnh nhân không thể đến bệnh viện tiêm thuốc theo lịch. Việc bỏ điều trị khiến hiệu quả điều trị giảm, bệnh tiến triển, khi bệnh nhân quay trở lại lại phải bắt đầu điều trị lại từ đầu”, TS.BS. Nga nói.
Giúp bệnh nhân sống chung với bệnh
Hiện có nhiều phương pháp điều trị bệnh như hóa trị, liệu pháp trúng đích, liệu pháp miễn dịch, cấy ghép tế bào gốc, xạ trị, và chăm sóc hỗ trợ để điều trị các triệu chứng và biến chứng.
Theo TS.BS. Bình, các phương pháp đang được áp dụng có thể giúp người bệnh đạt hiệu quả lui bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới”. Người bệnh trở về sinh hoạt bình thường trong cộng đồng.
“Với đặc thù điều trị bệnh mãn tính, các nhà nghiên cứu trên thế giới luôn luôn tìm ra những phương pháp tiếp cận mới. Các thuốc này có thể dưới dạng đường uống, tiêm tĩnh mạch hay tiêm dưới da, mỗi một cách thức dùng có ưu nhược điểm khác nhau. Tùy từng tình trạng người bệnh và sự linh hoạt của nhân viên y tế sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng cá thể.
Trong đó, thuốc dạng đường uống mang lại những ưu điểm cho bệnh nhân bởi có thể điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, đường uống không được chỉ định cho những bệnh nhân mắc bệnh lý như dạ dày, trào ngược… trường hợp này phải dùng đường tiêm”, TS.BS. Bình chia sẻ.
“Ưu điểm của các loại thuốc bằng đường uống là bệnh nhân sẽ tuân thủ phác đồ điều trị tốt hơn, tỉ lệ bỏ điều trị sẽ giảm đi. Tuy nhiên, mặt hạn chế là hiện thuốc chưa được bảo hiểm chi trả nên việc bệnh nhân tiếp cận sẽ khó khăn hơn”, TS.BS. Nga nói.
TS.BS. Hà cũng cho rằng điều trị bệnh bằng thuốc uống tốt hơn cho cả bệnh nhân và hệ thống y tế. “Chúng ta vừa trải qua dịch COVID-19, bệnh nhân đến bệnh viện rất khó khăn. Thậm chí, có bệnh nhân bỏ điều trị từ COVID-19 đến nay mới quay lại. Hay khi bệnh nhân đến viện cũng sẽ gây gánh nặng lên hệ thống y tế. Bởi vậy, nếu được uống thuốc duy trì tại nhà sẽ thuận tiện hơn cho bệnh nhân”, TS.BS. Hà nêu.
Các bác sĩ cũng cho rằng việc đưa thêm thuốc điều trị bệnh đa u tủy xương đường uống vào danh mục Bảo hiểm y tế chi trả sẽ giúp bệnh nhân tiếp cận điều trị dễ dàng hơn, giảm được tỉ lệ bỏ điều trị và chi phí điều trị cho người bệnh.
Nội dung được Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam bảo trợ truyền thông.
Nguồn: https://tuoitre.vn/da-u-tuy-xuong-chat-luong-song-nguoi-benh-duoc-nang-cao-nho-tien-bo-dieu-tri-20240625201504952.htm