Trong 2 ngày gần đây 10 và 11-5, thời tiết tại TP HCM luôn trong tình trạng âm u, ít nắng, mây đen thường xuyên xuất hiện trên bầu trời trong ngày. TP HCM cũng không còn tình trạng nắng nóng hầm hập từ sáng đến đêm. Mưa có xuất hiện tại một số khu vực, tuy nhiên lượng mưa không lớn và thời gian mưa cũng không kéo dài.
Ghi nhận trong sáng 11-5 tại TP HCM, sáng sớm đã xuất hiện mây đen. Đến hơn 9 giờ trời mới bắt đầu có nắng nhẹ. Một vài địa điểm có mưa nhỏ. Lúc sau thì mưa to hơn.
Mưa to lúc hơn 10 tại quận 3
Theo Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, vào lúc 8 giờ, thời tiết TP HCM nhiều mây, trời nắng yếu gián đoạn, có mưa rào và dông vài nơi tại khu vực Cần Giờ, các quận trung tâm như Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 12 và huyện Bình Chánh. Cũng trong thời điểm này, nhiệt độ tại Tân Sơn Nhất là 28 độ C, độ ẩm 94%.
TP HCM âm u, mây đen bủa vây trong nhiều ngày qua
Cũng theo Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, thời tiết từ sáng đến trưa tại khu vực Nam Bộ nhiều mây, nắng yếu gián đoạn, khu vực dọc biên giới phía Tây và ven biển phía Đông vẫn có mưa rào và dông rải rác. Riêng các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang có nơi mưa vừa; các tỉnh thành khác có mưa vài nơi.
Vào lúc 8 giờ ngày 11-5, thời tiết TP HCM nhiều mây, trời nắng yếu gián đoạn
Trong thời gian từ trưa đến chiều tối tại TP HCM trong ngày 11-5 có nhiều mây, nắng yếu gián đoạn.
Từ trưa đến chiều tối có lúc có mưa, mưa rào nhiều nơi, rải rác mưa vừa và dông, cục bộ mưa to tập trung ở biên giới phía Tây; khu vực ven biển phía Đông có mưa rải rác. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét, gió giật mạnh và mưa đá. Nhiệt độ cao nhất trong ngày tại miền Đông là 30-33 độ C, miền Tây là 29-32 độ C.
Giải thích về tình trạng trời âm u, mây đen bủa vây cả ngày, đại diện Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho biết nguyên nhân là do áp cao lạnh lục địa tăng cường yếu lệch đông xuống phía nam. Rãnh áp thấp có trục ở khoảng 11-13 độ vĩ Bắc, trên rãnh tồn tại một vùng hội tụ gió ngay trên khu vực phía tây bắc miền Đông Nam Bộ. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Bắc Trung Bộ – Bắc Bộ.