Huyện Nam Đàn là địa phương đầu tiên ở Nghệ An công bố quyết định hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Huyện ủy. Sau khi hợp nhất, Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Nam Đàn có 7 cán bộ, nhân viên, trong đó có 1 trưởng ban, 4 phó ban và 2 chuyên viên.
Theo phân công của tổ chức, ông Hồ Viết Hải, Phó trưởng Ban Dân vận, giữ chức vụ Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Nam Đàn, bắt đầu từ ngày 6/2. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, vị phó trưởng ban này đã có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, gửi Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đàn. Theo quy trình, ông Hải sẽ nhận quyết định nghỉ hưu từ 1/7, trước 4 năm so với tuổi công tác.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận huyện Nam Đàn cho biết, ông đã suy nghĩ về việc xin nghỉ hưu trước tuổi từ cuối năm 2024, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP (Nghị định 178) về chính sách với cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy.
Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, trải qua hơn 30 năm công tác ở nhiều vị trí khác nhau, năng lực đã được ghi nhận và khẳng định dù trình độ đào tạo có sự "chắp vá", song ông Hải tự tin rằng mình có thể đảm trách tốt nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định xin nghỉ hưu để tạo điều kiện cho tổ chức về sắp xếp bộ máy sau hợp nhất, tinh gọn.
"Khi nghỉ chắc chắn tôi sẽ có nhiều hụt hẫng nhưng tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng mà như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, muốn để đất nước bứt phá, đòi hỏi có những người phải hi sinh. Tôi cho rằng, việc mình nghỉ không phải là sự hi sinh, mà đó là trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ lãnh đạo. Trong cuộc cách mạng này, người đảng viên phải biết mình đang đứng chỗ nào, ưu tiên chỗ nào để phong trào tiến lên.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành cơ chế chính sách, theo tôi đã đủ mạnh, đủ sức động viên, khích lệ những người nghỉ hưu. Xét bản thân đủ điều kiện, nên tôi tự nguyện đứng vào hàng ngũ này, để dành cơ hội phát triển cho những cán bộ trẻ hơn, có năng lực, trình độ có điều kiện để phát huy, cống hiến tốt hơn", ông Hồ Viết Hải tâm sự.
Quyết định của ông Hải ngoài nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao từ tổ chức, còn được sự ủng hộ của gia đình, vợ con.
Theo phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của huyện Nam Đàn, địa phương này giảm 1 ban Đảng và 2 phòng chuyên môn trực thuộc UBND huyện. Song song với công tác hợp nhất, công tác nhân sự cũng đã được thực hiện đúng lộ trình, nhận được sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo phương án sắp xếp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Nam Đàn sẽ giải thể, các lĩnh vực công tác được phân sang Phòng Nội vụ, Phòng Y tế, Phòng Tài chính - Nông nghiệp, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Về phương án nhân sự, Trưởng phòng LĐ-TB&XH được chỉ định làm Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin. Ông Bùi Trọng Lĩnh, Phó phòng LĐ-TB&XH đảm nhận chức vụ Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn.
Ông Lĩnh cũng đã có đơn xin nghỉ hưu sớm gần 5 năm để thuận lợi cho tổ chức sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, đồng thời tạo cơ hội để đội ngũ cán bộ trẻ có điều kiện phát triển, cống hiến.
"Lúc tôi thông báo về quyết định nghỉ hưu sớm, gia đình cũng phân vân, băn khoăn nhưng khi nghe phân tích cụ thể, rằng đây là trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên đối với chủ trương chung của Trung ương, tỉnh, huyện, mọi người đã ủng hộ.
Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tôi có kinh nghiệm, có năng lực công tác nhưng so với số cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, thông thạo ngoại ngữ, có kỹ năng và khả năng tiếp cận công nghệ mới... thì vẫn có khoảng cách. Tôi nghỉ hưu sớm để đảm bảo hài hòa về công tác tổ chức cán bộ, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ phù hợp và đáp ứng được xu thế phát triển mới", ông Lĩnh nói.
Theo ông Nguyễn Danh Tuệ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành (Nghệ An), tính đến thời điểm này, phương án hợp nhất các ban đảng, phòng chuyên môn cấp huyện đã hoàn thành, đảm bảo đúng lộ trình đề ra. Công tác sắp xếp bộ máy thuận lợi khi có sự đồng thuận, ủng hộ từ chính đội ngũ lãnh đạo chủ chốt các phòng, ban thuộc diện hợp nhất, tinh gọn.
Có 4 lãnh đạo chủ chốt, gồm: Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng và Trưởng phòng Y tế huyện Yên Thành đã có đơn xin nghỉ hưu sớm, tạo điều kiện cho công tác sắp xếp cán bộ. Người nghỉ hưu sớm ít nhất 9 tháng, người nhiều nhất 5 năm.
Ông Nguyễn Danh Tuệ chia sẻ: "Các lãnh đạo chủ chốt phòng, ban nói trên tự nguyện xin nghỉ hưu, khi chúng tôi mới chỉ thực hiện quy trình ban đầu, hoàn toàn không có sự vận động hay tác động nào cả".
Theo ông Tuệ, ngoài việc các nhân sự nói trên đã nêu cao ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, người lãnh đạo, kết quả này còn là quy trình triển khai bài bản, công khai, khoa học của địa phương.
Trước đó, Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành giao Phòng Nội vụ và Cơ quan bảo hiểm xã hội huyện tính toán mức hỗ trợ cụ thể đối với từng cán bộ thuộc diện tinh giản theo Nghị định 178.
Trên cơ sở số liệu này, Ban Thường vụ, Ban Tổ chức Huyện ủy tổ chức gặp mặt, thông tin rõ về chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng và chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, đảng viên nghỉ hưu sớm. Bên cạnh đó, những băn khoăn của các nhân sự cũng đã được giải đáp một cách cặn kẽ, một số nguyện vọng được Ban Thường vụ Huyện ủy đáp ứng trong thẩm quyền của mình.
Theo nguyện vọng, ông Thái Sơn, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thành, sẽ chính thức nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/3, trước 4 năm 6 tháng với tuổi công tác. Ông cho rằng, quyết định này không phải là sự thoái thác nhiệm vụ mà đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở hưởng ứng, ủng hộ chủ trương lớn của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
"Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, trong lĩnh vực của mình, tôi thấy cần phải có sự đổi mới, sự thay đổi, bứt phá và "sức bật" bằng nguồn nhân lực mới. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy rõ được sự quyết tâm của Trung ương trong từng quyết sách, trong tầm nhìn, trong từng cơ chế chính sách để những người rút lui về phía sau đảm bảo về cuộc sống", ông Sơn chia sẻ về quyết định của mình.
Nhìn lại chặng đường 34 năm công tác, ông Sơn hài lòng với những gì đã cống hiến và đóng góp cho công việc tuy nhiên cũng có những luyến tiếc, băn khoăn nhất định. Ông cho rằng, nghỉ hưu sớm, bên cạnh "cái được hữu hình" là khoản hỗ trợ theo Nghị định 178, là những "mất mát vô hình" đối với người làm công tác tuyên giáo, nghiên cứu lý luận chính trị khi 5 năm không tham gia Thường vụ Huyện ủy, không được đóng góp, sinh hoạt cùng tổ chức. Tuy nhiên, ông đã có thời gian để chuẩn bị và cân nhắc, được Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Tổ chức ghi nhận cũng như gia đình hết sức ủng hộ.
Quyết định lùi về phía sau để tạo điều kiện cho tổ chức trong công tác sắp xếp, ông Sơn kỳ vọng người được giao giữ trọng trách mới sẽ tạo sự bứt phá, bộ máy mới "gọn" nhưng phải "tinh". Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ kế cận và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và mong muốn được chia sẻ, đồng hành với đội ngũ cán bộ trẻ trong điều kiện cho phép.
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Đức Bình
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/nghi-la-trach-nhiem-khong-phai-la-su-hi-sinh-20250224130236948.htm
Bình luận (0)