Viêm xoang, lệch vách ngăn mũi dẫn đến nhiễm trùng mạn tính với triệu chứng đau họng, sổ mũi tái đi tái lại.
Viêm họng, sổ mũi xảy ra do vi khuẩn, virus, thay đổi thời tiết, chênh lệch độ ẩm. Triệu chứng tái phát thường xuyên có thể là dấu hiệu của các bệnh tiềm ẩn như viêm xoang, viêm phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới.
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn đến đau họng, sổ mũi tái phát thường xuyên.
Bất thường cấu trúc mũi như lệch vách ngăn, polyp mũi làm tăng khả năng nhiễm trùng mũi, xoang mạn tính. Người gặp các tình trạng này thường xuyên đau họng, sổ mũi, nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại.
Khối u như ung thư phổi gây ho kéo dài, làm tổn thương họng, nghẹt mũi. Các khối u không được phát hiện và điều trị dẫn đến nhiễm trùng tái phát.
Viêm xoang: Triệu chứng thường gặp là ngứa mũi, chảy nước mũi. Nhiều người đau họng, nuốt vướng đi khám do nghĩ bệnh viêm họng, viêm amidan nhưng bác sĩ nội soi tai mũi họng chẩn đoán viêm xoang. Người thường xuyên bị đau họng, chảy mũi có thể cần làm các xét nghiệm, chụp X-quang, CT nhằm tránh bỏ sót nguyên nhân do viêm mũi xoang.
Viêm mũi dị ứng xảy khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, chất kích thích, lông thú cưng, mỹ phẩm, nước hoa… Triệu chứng phổ biến gồm đau họng, hắt xì, ngứa mắt mũi, chảy nước mũi. Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm viêm mũi dị ứng, một số giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng bệnh, tránh tái phát.
Trào ngược axit dẫn đến ho mạn tính, nhiễm trùng mũi họng. Axit dạ dày trào ngược lên họng thường xuyên làm tổn thương, đau họng kéo dài. Tình trạng này cũng dẫn đến chảy nước mũi sau, triệu chứng đi kèm với ho, đau họng.
Ngoài ra, đau họng, sổ mũi có thể tái phát do các tác nhân như khói thuốc lá, ô nhiễm, bụi bẩn. Người có hệ miễn dịch suy giảm, nhiễm trùng do HIV, ung thư cũng dễ bị đau họng, sổ mũi. Đau họng không được điều trị đúng có thể dẫn đến đau họng mạn tính, các biến chứng như viêm thanh quản, viêm khí quản…
Một số cách giúp giảm đau họng, sổ mũi gồm ngủ đủ giấc, uống nhiều nước lọc, ăn thực phẩm bổ sung vitamin C, dùng máy tạo độ ẩm. Súc miệng bằng nước muối ấm, uống trà gừng, chườm ấm cũng góp phần làm giảm sưng, đau họng.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |