Ngày 11/7, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế – xã hội của Việt Nam”.
Qua theo dõi hoạt động đầu tư PPP thời gian qua, ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cho biết, 2010-2014 là giai đoạn số lượng dự án PPP được ký kết nhiều nhất, tập trung chủ yếu vào các dự án BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao), BT (Xây dựng – Chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông.
Giai đoạn 2015-2020 tập trung chủ yếu tiếp tục đàm phán một vài dự án BOT điện có vướng mắc trong giai đoạn trước và xử lý các vướng mắc của các dự PPP đã ký hợp đồng.
Giai đoạn 2021 (thời điểm Luật PPP có hiệu lực đến nay), chỉ có 3 dự án BOT giao thông được chuyển tiếp từ giai đoạn trước và đã ký; 8 dự án mới song đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa ký kết hợp đồng PPP. Trong đó, 7 dự án lĩnh vực giao thông, 1 dự án BTL (Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ) lĩnh vực nước sạch.
Như vậy, từ năm 2021 đến nay chưa ký mới được hợp đồng PPP nào.
Bà Đỗ Thị Bích Hồng, Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, tính đến 31/3/2023, đã có 22 tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, với tổng hạn mức là 166.819 tỷ đồng, thời hạn phổ biến 10-15 năm; tổng dư nợ cấp tín dụng là 92.015 tỷ đồng, chiếm 0,75% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế.
Theo bà Hồng, tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong giai đoạn 2011-2015 do các dự án BOT, BT giao thông được triển khai mạnh. Từ năm 2016 đến nay, rất ít phát sinh các dự án mới, các ngân hàng chủ yếu giải ngân và thu nợ đối với các dự án đã cam kết cấp tín dụng.
Để trả lời câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến xu hướng giảm các dự án PPP giai đoạn từ 2015 đến nay, lãnh đạo Chính phủ đã giao “Bộ Tài chính chủ trì rà soát vướng mắc Nghị định số 28/2021/NĐ-CP và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2023”.
Vụ Đầu tư đã gửi văn bản gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư và một số cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động đầu tư.
Một trong những nguyên nhân được nêu ra là vướng mắc ở Luật PPP thuộc thẩm quyền sửa đổi, bổ sung của của Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, quy định phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP tối đa 50% tổng mức vốn đầu tư (Điều 69 Luật PPP) là không phù hợp; một số ý kiến đề nghị bỏ quy định mức trần, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi tăng tỷ lệ này (có thể là 70% tổng mức đầu tư).
Chính phủ hiện đang nghiên cứu xây dựng luật sửa đổi các luật, trong đó dự kiến sửa đổi quy định tháo gỡ vướng mắc (nêu trên) cho các dự án giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, để đảm bảo sử dụng vốn nhà nước thật sự hiệu quả, lãnh đạo Vụ Đầu tư cho rằng cần phải có quy định chặt chẽ về tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần vốn nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư.
Một số ý kiến địa phương đề nghị nhà nước chia sẻ doanh thu giảm cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án PPP ngay khi doanh thu thực tế giảm dưới 75% doanh thu quy định trong hợp đồng, chứ không phải thực hiện điều chỉnh giá, thời hạn hợp đồng như quy định tại Luật PPP.
“Các ý kiến (nêu trên) là các vướng mắc tại các quy định của Luật PPP, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết trong thời gian tới”, đại diện Vụ Đầu tư cho biết.