Để hợp tác công tư cởi mở hơn

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng17/02/2025


Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) và cơ chế thanh, quyết toán đối với hợp đồng đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).

Xây dựng niềm tin chiến lược trong hợp tác công tư Hợp tác công tư thúc đẩy đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao

Tháo gỡ các bất cập

Việc ban hành Nghị định này nhằm thay thế Nghị định 28/2021/NĐ-CP (Nghị định 28) vốn chứa đựng nhiều bất cập sau hơn 3 năm áp dụng; đồng thời thống nhất triển khai những quy định mới liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, chứng khoán, thu chi ngân sách đã được sửa đổi, bổ sung tại các bộ luật quan trọng như: Luật số 56/2024/QH15, Luật số 57/2024/QH15 và Luật số 58/2024/QH15.

Theo Bộ Tài chính, nội dung chính của Nghị định mới tập trung vào việc làm rõ các vấn đề về quyết toán vốn đầu tư công trình hạ tầng, xử lý tài sản chuyển giao, sử dụng vốn Nhà nước trong dự án PPP, phát hành trái phiếu dự án PPP và cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Đặc biệt, với các quy định liên quan đến cơ chế thanh toán, quyết toán đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BT, khi Nghị định này được ban hành, các dự án đầu tư theo hình thức BT sẽ chính thức có pháp lý cụ thể để nối lại sau hơn 3 năm gián đoạn.

So sánh những quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Nghị định với các quy định hiện hữu tại Nghị định 28, có thể thấy nhiều bất cập về cơ chế, phương án tài chính đối với các dự án PPP đã được tháo gỡ. Các quy định về huy động vốn cho các dự án cũng cụ thể và cởi mở hơn. Trong khi đó, các quy định về nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân cũng công bằng hơn, hợp lý hơn.

Cụ thể, các quy định về dòng tiền của dự án PPP được xác định là dòng tiền sau thuế, được chiết khấu theo tỷ suất bình quân gia quyền của lãi suất các nguồn vốn dự án huy động và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Quy định mới này sẽ giải quyết các vướng mắc trong xác định nghĩa vụ về thuế và dòng tiền để tính toán các chỉ tiêu tài chính của các dự án BOT trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, các quy định về phương án tài chính, thanh toán, quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư từ giai đoạn lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến khi ký kết hợp đồng PPP cũng giúp các dự án có cơ sở để lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng.

Đặc biệt, các quy định về nguyên tắc chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu trong dự án PPP được Dự thảo Nghị định cập nhật khá kịp thời những thay đổi pháp lý trong Luật số 57/2024/QH15, cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước chia sẻ 50% khi doanh thu thực tế cao hơn 125% và thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính. Điều này, cùng với việc quy định chi tiết về trình tự, thủ tục bố trí nguồn dự phòng ngân sách để chi trả phần doanh thu bị sụt giảm của dự án, sẽ tháo gỡ những bất cập mà Nghị định 28 trước đó gặp phải khi Luật Ngân sách Nhà nước không có cơ chế để chi trả các khoản tiền này.

Cống ngăn triều Bến Nghé thuộc dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP. Hồ Chí Minh
Cống ngăn triều Bến Nghé thuộc dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP. Hồ Chí Minh

Kỳ vọng nối lại nhiều dự án hạ tầng lớn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hơn 3 năm thực hiện Luật PPP 2020, có hơn 40 dự án mới được triển khai hoặc chuẩn bị đầu tư theo phương thức này trên địa bàn cả nước. Đây đều là các dự án trọng điểm quốc gia hoặc khu vực với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Việc Luật số 57/2024/QH15 bổ sung nhiều quy định mới cho Luật PPP 2020, bao gồm các quy định về khuyến khích đầu tư PPP với tất cả lĩnh vực đầu tư công; bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu cũng như cho phép tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT, sẽ là động lực giúp khối tư nhân mạnh dạn tham gia vào phát triển các dự án hạ tầng giao thông.

Ở cấp độ Nghị định, việc Chính phủ sớm ban hành văn bản bổ sung, thay thế Nghị định 28 được các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản rất trông đợi. Họ kỳ vọng đây sẽ là bước đột phá để nối lại các dự án lớn đang đầu tư dang dở.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, cho biết từ ngày 15/1 vừa qua, các quy định về khởi động lại và chuyển tiếp các dự án BT theo Điều 3 Luật số 57/2024/QH15 đã có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có địa phương nào “nối lại” các thủ tục đầu tư xây dựng dự án BT, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị “đứng hình”.

Việc Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 28, đồng thời Chính phủ cũng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, theo ông Châu, sẽ là những diễn biến pháp lý được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhất trong các tháng tới để tái khởi động hàng chục dự án quy mô lớn.

Chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện nay, hàng chục dự án BT lớn như: dự án cầu Thủ Thiêm 2, các tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, đường song hành Mai Chí Thọ - Nam Rạch Chiếc, dự án chống ngập, Trung tâm thể thao Phan Đình Phùng… đều đang chờ hoàn thiện pháp lý để nối lại hoạt động đầu tư.

Trong khi đó, một số dự án như: đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ, đường D3 (kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước), Nhà máy xử lý nước thải kênh Tham Lương - Bến Cát, đường Phạm Văn Đồng… dù đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn thành quyết toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư tham gia hợp đồng BT.

Văn phòng Chính phủ có văn bản số 996/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Luật số 57/2024/Q15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2025, trừ quy định về việc thực hiện hợp đồng BT (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025).

Tại Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư gồm: (1) Hội đồng thẩm định dự án PPP; (2) Quy trình dự án PPP; (3) Quy trình lựa chọn nhà đầu tư, (4) Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu (5) Chấm dứt hợp đồng dự án PPP; (6) Trường hợp chuyển tiếp.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP.

Sau khi xem xét dự thảo Nghị định trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến nên nghiên cứu rút ngắn quy trình thẩm định, không kéo dài quá 2 tuần. Hội đồng thẩm định nên gọn lại, chỉ những người có chuyên môn, cơ quan có liên quan. Ngoài ra, cần phân cấp phân quyền mạnh mẽ, giao trách nhiệm cho địa phương.



Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/de-hop-tac-cong-tu-coi-mo-hon-160488.html

Bình luận (0)

No data
No data

No videos available