Chiếc nón lá từ bao đời nay đã gắn bó với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam duyên dáng mà chịu thương chịu khó. Theo dòng thời gian, qua hàng nghìn năm lịch sử, nón lá vẫn tồn tại gắn liền với cuộc sống của phụ nữ bất kể tuổi tác, điều kiện sinh hoạt. Người phụ nữ Việt Nam đã làm đẹp hơn cho nón lá bằng chính tình yêu cuộc sống và lòng nhân hậu thủy chung của mình. Nét đẹp chân phương, bình dị của những người phụ nữ cùng nón lá đã là nguồn cảm hứng của biết bao nghệ sĩ thi ca, nhạc họa…
Trên khắp dải đất hình chữ S, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá ở bất cứ nơi đâu. Tuỳ vào mỗi vùng miền sẽ có cách làm nón khác nhau để phù hợp, nhưng nhìn chung mọi sự sáng tạo đều dựa trên một cách làm thủ công truyền thống và ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt.
“Quê hương là cầu tre nhỏ,
Mẹ về nón lá nghiêng che”
Mẹ về nón lá nghiêng che”
Chiếc nón lá xuất hiện ở Việt Nam vào đời nhà Trần, khoảng thế kỉ thứ 13. Từ đó đến nay, nón luôn gắn bó với người dân Việt Nam như là hình với bóng.
Nón lá không kén người dùng, không phân biệt giới tính, không phân biệt giàu, nghèo, già trẻ đều có thể đội. Nón ra đồng với nông dân, nón cùng với người lính thú xông pha ngoài chiến trận, nón theo tài tử giai nhân đi trẩy hội, nón theo cung phi vào cung cấm, nón theo các nàng công chúa, các bà hoàng đi chùa cầu duyên cầu tự, nón trên đầu những người lao động. Nó âm thầm lặng lẽ hiện diện trong cuộc sống của người Việt.
Nón lá ở nước ta dù có nhiều loại, song nét đặc thù chung là rộng vành để che mưa, che nắng và có mái dốc để thoát nước mưa nhanh. Nón chóp nhọn đầu, nón thúng rộng vành, nón ba tầm…
Trong những năm chiến tranh, tiễn người yêu ra chiến trường, các cô gái thường đội nón với cái quai mầu tím thủy chung. Chỉ như vậy thôi đã hơn mọi lời thề non, hẹn biển, làm yên lòng người ra trận…
Ngoài điều đó, chiếc nón còn hướng tới mục đích làm đẹp, làm duyên cho người phụ nữ và phù hợp với cảm quan thẩm mỹ của người Việt là đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Các cô gái Việt Nam chăm chút chiếc nón như một vật trang sức, người ta gắn lên đỉnh của lòng nón một mảnh gương tròn nho nhỏ để các cô gái làm duyên kín đáo.
Chiếc nón lá theo người nông dân ra đồng, cùng tham gia quá trình lao động cho mùa màng bội thu, khi trời tắt gió, nón dùng để quạt cho mát, khi lật ngửa, dùng đựng mớ rau mới hái ngoài đồng, ít trái cây, múc nước…
Ngày nay, chiếc nón lá đã trở thành một biểu tượng của người Việt trong mắt của bạn bè quốc tế. Nón lá luôn được dành vị trí trong hành lí của các du khách khi đến Việt Nam.
Tạp chí Heritage