Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết trong vài tháng tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cố gắng vận hành Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, cùng Bộ tài chính ban hành thông tư quản lý.
Phiên chất vấn chiều 7/6 với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt kéo dài một tiếng xoay quanh các câu hỏi về tiến độ đề án truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ, gỡ vướng để các quỹ về lĩnh vực này trở thành kênh hút đầu tư nguồn lực xã hội…
Đại biểu Lã Thanh Tân (Phó đoàn Hải Phòng) nêu vấn đề triển khai đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa còn chậm, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp về vấn đề này?
Bộ trưởng Đạt cho hay sau khi Đề án truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) được ban hành năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ ngành triển khai, xây dựng 20 tiêu chí của Việt Nam về truy xuất nguồn gốc cũng như đưa vào vận hành Cổng thông tin về truy xuất nguồn gốc.
Các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế đã tham gia phổ biến thông tin và xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý. Dù vậy, việc triển khai Quyết định 100 liên quan đề án này còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu như đưa Cổng truy xuất nguồn gốc vào hoạt động trọn vẹn vì còn vướng một số thủ tục.
“Trong vài tháng tới, Bộ cố gắng vận hành Cổng, cùng lúc xây dựng thông tin về quản lý truy xuất nguồn gốc, cùng Bộ Tài chính ban hành thông tư cơ chế tài chính quản lý đề án này”, ông Đạt nói.
Bốn năm trước, Đề án 100 được phê duyệt với chủ trương áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn của sản phẩm trong toàn chuỗi cung ứng, nâng giá trị hàng hóa của Việt Nam. Đề án có nội dung xây dựng và vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia. Cổng này có các bên trong chuỗi cung ứng tham gia như: nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, vận chuyển, phân phối, bán lẻ, cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp) về bất cập “chi 100 đồng cho khoa học công nghệ chỉ 13 đồng dành nghiên cứu, còn lại cho bộ máy, chi thường xuyên”, Bộ trưởng Đạt cho biết năm 2023 tổng chi thường xuyên cho khoa học và công nghệ 12.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 8.800 tỷ, địa phương khoảng 3.200 tỷ. Trong 8.800 tỷ ngân sách trung ương thì chi hỗ trợ cho lương và hoạt động bộ máy khoảng 900 tỷ, nghĩa là tỷ lệ cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ chiếm 89%. Trong hơn 3.291 tỷ đồng ngân sách khoa học công nghệ địa phương thì tỷ lệ chi cho nhiệm vụ nghiên cứu khoảng 55%.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Đạt, các Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đăng đàn giải trình. Ba ông đều cho rằng nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ chưa đạt yêu cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguồn lực dành cho khoa học công nghệ giảm dần qua các năm, từ 1,1% năm 2017 chỉ còn 0,82% vào năm nay. Trong khi đó, Nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị yêu cầu phải đảm bảo từ 2% chi ngân sách cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và tăng dần theo nhu cầu. “Đây là điều báo động, có nguyên nhân là bộ ngành, địa phương không bố trí vốn hoặc vốn rất thấp, chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn”, ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, trong tổng chi ngân sách 0,82% cho khoa học công nghệ trong năm nay thì chi đầu tư 0,23%, còn thường xuyên 0,58%. Trong khi đó tỷ lệ chi ngân sách năm ngoái là 1,1%.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá khoa học công nghệ là lĩnh vực có hành lang pháp lý lẫn quy định đầy đủ để có điều kiện phát triển. Song ngân sách đầu tư cho nghiên cứu của lĩnh vực này chưa hiệu quả. Nếu so với thế giới, có thể Việt Nam đang ở mức thấp nhất, song những tồn tại trong lĩnh vực này mang tính liên ngành, để giải quyết cần phải đổi mới tư duy, cách thức quản lý.
Phó thủ tướng cho rằng cần gia tăng áp lực đổi mới cho doanh nghiệp trong thời gian tới theo hướng chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang dựa vào tri thức. Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết chính sách lớn trong lĩnh vực này và xin tiếp thu ý kiến của đại biểu để thực hiện chính sách tốt hơn.
Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại số lượng kỷ lục 120 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó 20 người hỏi và 12 đại biểu tranh luận. Ông Huệ cho hay, khoa học công nghệ thời gian qua đạt được nhiều thành tựu nổi bật song còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó, tổng đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, đầu tư dàn trải chưa tạo hiệu quả cao.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến góp ý đại biểu để khắc phục hạn chế trong lĩnh vực quản lý. Ông lưu ý các cơ quan tập trung vào vấn đề chính: thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập; chú trọng xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới; tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ và sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Xem diễn biến chính