Đề thi chính thức môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ra phần đọc hiểu là văn xuôi (trích Dòng sông và những thế hệ của nước, Nguyễn Quang Thiều) và nghị luận văn học là thơ (một đoạn trích trong Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm).
Điểm mới của đề thi: Yêu cầu viết đoạn văn thoát ly với văn bản đọc hiểu
Đa số học sinh thích đọc hiểu thơ hơn văn xuôi. Tuy nhiên, với đề thi văn năm nay, văn bản đọc hiểu đã tạo hứng thú cho học sinh khi làm bài vì giàu tính hình tượng nghệ thuật khi ví việc sáng tạo nghệ thuật như dòng chảy của con sông.
Đề thi không khó và nhiều khả năng đa số học sinh đều lấy được điểm trên trung bình. Dự đoán điểm trên 7 của môn văn năm nay sẽ nhiều. Các câu hỏi chống điểm liệt (từ 1,0 điểm trở xuống) như câu 1, 2 (theo đáp án tổng 2 câu này là 1,0 hoặc 1,5 điểm) của phần đọc hiểu quá rõ ràng, thí sinh chỉ cần bám sát văn bản là ghi ra được.
Câu 1 (viết đoạn văn khoảng 200 chữ) của phần làm văn cũng không có gì khác lạ so với đề thi minh họa. Yêu cầu bàn về “ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính” cũng là dạng đề bài quen thuộc với học sinh. Cái mới của yêu cầu viết đoạn văn này là thoát ly hẳn với văn bản đọc hiểu.
Không phải như đề thi của năm 2023 là có thêm phần tích hợp giữa văn bản đọc hiểu và viết đoạn văn: “Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết…”. Cách yêu cầu này giúp thí sinh tránh được lỗi là quá sa đà vào văn bản đọc hiểu, nói theo ý văn bản đọc hiểu, hoặc lấy lại dẫn chứng, lặp ý…
Giáo viên nhận xét đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2024 Trúng tủ nhưng chưa chắc đạt điểm cao
Câu nghị luận văn học (câu 2, 5,0 điểm) là một câu hỏi quá hàn lâm, quen thuộc, hầu hết thí sinh đều chuẩn bị tốt về kỹ năng phân tích đoạn thơ.
Hai điểm phân loại thí sinh
Đề thi có 2 điểm phân loại thí sinh rõ ràng nhất:
Một là, ở câu 3, câu 4 của phần đọc hiểu.
Đối với câu 3 (phần đọc hiểu), thí sinh phải trả lời được tác dụng về hình thức biểu đạt và tác dụng về việc làm rõ nội dung, ý nghĩa biểu đạt.
Ở câu 4 của phần đọc hiểu, thí sinh cần nêu rõ cụ thể bài học gì về lối sống cho bản thân, và phải lý giải thuyết phục mới đạt trọn điểm.
Hai là, vế sau của câu hỏi nghị luận văn học: “từ đó nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn thơ”.
Để nhận xét “về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm” đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu sắc đoạn trích Đất Nước và nắm thật vững phong cách nghệ thuật thơ trữ tình của Nguyễn Khoa Điềm…
Nhìn chung đề văn khá hay, tương đối nhẹ nhàng, có tính phân loại và phù hợp cho với học sinh lớp 12 của mùa thi cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006.
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-ngu-van-van-ban-doc-hieu-giau-tinh-hinh-tuong-185240627135558018.htm