Theo cô Đinh Thị Hương, giáo viên ngữ văn Tuyensinh247, đề minh họa vào lớp 10 THPT của Hà Nội bám sát kiến thức chương trình; bám sát chuẩn đầu ra 2018, tránh tình trạng học vẹt, học tủ; chú trọng hiểu biết của học sinh về những vấn đề gần gũi nhưng vẫn mang tính thời sự cao; nội dung câu hỏi xoay quanh các kĩ năng đọc – viết, cảm thụ.
Đề thi minh họa phân hóa các mức độ, phù hợp với năng lực học sinh, đánh giá toàn diện về năng lực của học sinh.
Ma trận đề có sự phân hóa theo các mức độ nhận biết (20%), thông hiểu (40%), vận dụng (40%).
“Đề thi minh họa môn ngữ văn của Hà Nội có đổi mới với câu hỏi yêu cầu viết bài văn nghị luận. Sự thay đổi về hình thức ra đề sẽ là thách thức với học sinh THCS khi làm bài trong thời gian 120 phút nhưng đồng thời cũng giúp phân hóa học sinh”, cô Hương cho biết.
Với những điểm mới trên đây, theo cô Hương, thí sinh cần nắm chắc đặc trưng các thể loại, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu và rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn, bài văn.
Với dung lượng 400 chữ cho một bài văn nghị luận xã hội, đòi hỏi học sinh phải biết chắt lọc, trình bày sao cho hợp lý và đầy đủ nhất.
Nhận xét về đề thi minh họa ngữ văn của Hà Nội vừa ban hành, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên ngữ văn hệ thống giáo dục hocmai cho hay, đề minh họa bám sát các mục tiêu cần đạt của Chương trình GDPT 2018 môn ngữ văn lớp 9.
Đề thi tập trung kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh, cụ thể là năng lực đọc và viết.
Phần đọc lấy ngữ liệu từ văn bản ngoài sách giáo khoa, cho phép đánh giá năng lực đọc của học sinh theo từng kiểu loại văn bản, tránh lối học thuộc, học tủ…
Đề minh họa với các câu hỏi theo hình thức tự luận, gồm hai phần chính: Phần đọc (4 điểm) gồm các câu hỏi xoay quanh 1 văn bản thuộc một trong ba loại: Văn bản văn học, văn bản thông tin, văn bản nghị luận mà học sinh đã được làm quen từ lớp 6.
Đáng chú ý, trong nhóm các văn bản văn học không có thể loại kịch (được học ở lớp 9) nhưng bổ sung thể ký (học ở các lớp dưới).
Trong cấu trúc/ma trận đề thi chưa đề cập đến yêu cầu liên quan đến phần tiếng Việt nhưng những đơn vị kiến thức, kĩ năng này đã được tích hợp vào trong các câu hỏi của phần đọc và viết.
Phần viết (6 điểm), yêu cầu viết đoạn văn nghị luận văn học (200 chữ) và bài văn nghị luận xã hội (400 chữ). Như vậy không có dạng bài tự sự, thuyết minh và biểu cảm (được học ở lớp 9).
Đối với bài văn nghị luận xã hội có thể gắn với nội dung văn bản đọc hiểu ở phần trước. Nghị luận văn học yêu cầu phân tích đoạn trích thuộc phần đọc nhưng yêu cầu đề bài không bị chồng chéo với nội dung các câu hỏi đã được đề cập trong phần trước đó.
Mặc dù đề minh họa yêu cầu viết đoạn văn ở phần nghị luận văn học và viết bài văn ở phần nghị luận xã hội nhưng theo thầy Hùng, yêu cầu này có thể linh hoạt thay đổi khi triển khai các yêu cầu phần viết.
Ngoài ra, ngữ liệu đọc hiểu và ngữ liệu ở câu viết nghị luận văn học không nhất thiết phải trùng nhau.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/nhung-diem-moi-trong-de-thi-ngu-van-lop-10-ha-noi-nam-2025-20240831215253505.htm