Vaccine ung thư còn vướng thủ tục pháp lý, vấn đề về khả năng sản xuất, nếu được tháo gỡ có thể ra mắt sau ba năm.
Theo Cơ quan Y tế – Sinh học Nga, việc sử dụng kháng nguyên có thành phần thay đổi trong vaccine chưa phù hợp với quy định hiện hành. Các nhà khoa học cũng phải đối mặt với bài toán sản xuất, cung ứng vaccine, do nước này chỉ có một số cơ sở đủ tiêu chuẩn, ví dụ Trung tâm Ung thư Blokhin hoặc Trung tâm Công nghệ não và thần kinh liên bang tọa lạc tại Moskva.
Ông Vasily Lazarev, thuộc Cơ quan Y tế – Sinh học Liên bang Nga, cuối tháng 3 cho biết có thể cần tới một năm để giải quyết tất cả vấn đề về thủ tục pháp luật, văn bản dưới luật. Khi áp lực về tính pháp lý được giảm thiểu, công nghệ vaccine này sẽ thu hút các nhà đầu tư tư nhân trong nước, được hỗ trợ về tài chính. Nhờ đó, Nga có thể tung ra vaccine ung thư trong vòng ba năm.
Trước mắt, Cơ quan Y tế – Sinh học Liên bang Nga đề xuất cho phép sản xuất và sử dụng thuốc có thành phần thay đổi, có hiệu lực vào tháng 9. Cơ quan này cũng yêu cầu việc sản xuất phải do tổ chức nắm giữ bằng sáng chế thực hiện.
Thông tin nói trên được đưa ra sau hơn một tháng, kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo giới khoa học nước này tiến gần đến thành tựu tạo ra vaccine ung thư. Ông không nêu rõ loại ung thư vaccine nhắm đến hoặc cách thức vaccine hoạt động.
Trên thế giới, có 5 ứng viên tiềm năng đang thử nghiệm, gồm: V940/mRNA-4157, BNT122, TG4050, Tedopi, VB10.16. Trong đó, vaccine mRNA-4157 do hãng dược Merk và Moderna nghiên cứu, phát triển, đã được cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ và châu Âu công nhận, dùng để điều trị bổ trợ cho bệnh nhân u ác tính, có thể ra mắt năm 2025.
Bệnh ung thư đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của nhiều người, nhiều quốc gia. Do đó, vaccine cho bệnh này là liệu pháp miễn dịch quan trọng, giúp ngăn ngừa và cải thiện kết quả điều trị ung thư bằng cách tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể.
Chi Lê (Theo RT, BioSpace)