Em trai tôi 24 tuổi, mắc suy thận mạn, đang chờ ghép tạng. Em cần tiêm vaccine nào chuẩn bị cho quá trình cấy ghép không, thưa bác sĩ? (Ngọc Huyền, Hà Nội)
Trả lời:
Chủng ngừa vaccine với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tối quan trọng đối với bệnh nhân chờ ghép và đã ghép tạng. Lý do là nhóm này có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn do suy giảm chức năng cơ quan và sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hậu ghép. Nếu mắc bệnh, việc điều trị bằng kháng sinh ở bệnh nhân ghép tạng cũng ít hiệu quả hơn so với người có hệ miễn dịch bình thường.
Tuy nhiên, do khả năng đáp ứng với vaccine giảm, đặc biệt trong giai đoạn đầu sau ghép và quá trình điều trị chống thải ghép, bệnh nhân cần tiêm đầy đủ các loại vaccine trước khi phẫu thuật. Thời gian lý tưởng nhất để tiêm ngừa là càng sớm càng tốt, khi phát hiện suy tạng.
Các vaccine cần tiêm gồm cúm, phế cầu, viêm gan A, viêm gan B, bạch hầu – ho gà – uốn ván, thủy đậu, sởi – quai bị – rubella, não mô cầu. Những bệnh nói trên có nguy cơ lây nhiễm và trở nặng ở người mắc bệnh thận mạn tính hoặc người đã ghép tạng.
Riêng bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, dự kiến cần ghép tạng hoặc điều trị lọc máu, việc tiêm phòng viêm gan B trước khi thực hiện các can thiệp quan trọng hàng đầu. Tiêm chủng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm viêm gan – tác nhân nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến kết quả sau ghép hoặc liên quan đến điều trị lọc máu. Người ghép thận nếu không điều trị bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch, nên tiêm ngừa vaccine sống giảm độc lực (trừ BCG là vaccine phòng lao), như thủy đậu, sởi – quai bị – rubella… tối thiểu 4 tuần trước ghép.
Sau khi tiêm, bệnh nhân cần tuân thủ nguyên tắc theo dõi 30 phút ngay tại trung tâm tiêm chủng và ít nhất 24 – 48 tiếng tại nhà. Trong đó, 30 phút theo dõi tại cơ sở tiêm chủng được xem là thời điểm vàng để xử trí kịp thời các phản ứng sớm và nặng. Tại nhà, mọi người cần theo dõi sát những dấu hiệu nặng, bất thường và thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí nhanh chóng.
Nếu người được ghép tạng chưa hoàn thành phác đồ trước khi ghép tạng, tùy trường hợp, một số loại vaccine (trừ vaccine sống giảm độc lực) có thể tiếp tục hoàn thành phác đồ ở giai đoạn hậu ghép. Tùy vào tình trạng sức khỏe của từng cá nhân, người chuẩn bị ghép tạng cần tư vấn thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ tiêm chủng để được chỉ định phù hợp.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC