TP HCMChị Thoa, 33 tuổi, đau ngón giữa tay phải gần 5 năm, uống thuốc và can thiệp không khỏi, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh u cuộn mạch dưới móng.
Ban đầu chị Thoa (ngụ Kon Tum) thỉnh thoảng đau nhẹ ở đầu ngón tay, sau đó thường xuyên hơn, đau buốt khi một lực nhẹ tác động, thay đổi nhiệt độ và thời tiết, mất ăn mất ngủ. Chị đi khám, uống thuốc và bóc tách khối u nhưng không bớt, hết thuốc lại đau.
Hôm 5/11, ThS.BS.CKI Lê Văn Minh Tuệ, Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khối u cuộn mạch dưới móng ở ngón giữa tay phải chị Thoa có kích thước khoảng 1-2 mm. Chẩn đoán bệnh trước đó không chính xác dẫn đến điều trị không hiệu quả.
Cấu trúc thông nối giữa động mạch và tĩnh mạch được gọi là cuộn mạch. Xung quanh có nhiều các đầu mút thần kinh, làm cho cuộn mạch rất nhạy cảm với nhiệt độ và cảm giác sờ chạm. Cuộn mạch đóng vai trò là cơ quan cảm biến nhiệt, giúp cơ thể điều tiết nhiệt độ.
Khi các khối u hình thành và phát triển ở cấu trúc này dẫn đến bệnh lý u cuộn mạch. Các khối u có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở đầu ngón tay, đầu ngón chân. Bệnh chiếm 1-4,5% các khối u ở tay, lành tính, nhưng khối u gây tổn thương đáng kể cho các mô và dây thần kinh xung quanh, đau đớn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Theo bác sĩ Tuệ, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị triệt để bệnh. Người bệnh được gây tê tại chỗ, sau đó loại bỏ khối u. Đối với loại phẫu thuật này, có hai nguy cơ rất dễ xảy ra, đó là không loại bỏ hoàn toàn khối u, dẫn đến tái phát sau điều trị. Phần giường móng (phần mô mềm nằm dưới móng, chứa nhiều mạch máu nhỏ) dễ tổn thương trong quá trình bóc tách, gây biến dạng khi móng tay phát triển trở lại.
Loại bỏ khối u khá dễ dàng, nhưng ca mổ cần bác sĩ chuyên khoa về phẫu thuật bàn tay thực hiện. Ê kíp sử dụng kỹ thuật bóc tách bằng dao lạnh, giúp hạn chế tối đa hai nguy cơ trên.
Sau phẫu thuật, chị Thoa được xuất viện trong ngày và tái khám sau hai tuần để đánh giá lại vết thương, giường móng. Thông thường, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn sau hai tháng.
Bác sĩ Tuệ khuyến cáo dù là một khối u phần mềm lành tính, bệnh vẫn có tỷ lệ rất nhỏ có thể chuyển sang ác tính. Nếu cảm thấy đau, nhạy cảm với nhiệt độ ở các đầu ngón tay, người bệnh nên sớm đến bác sĩ khám để điều trị kịp thời, tránh di chứng như phá hủy giường móng, biến dạng móng tay; khối u chèn ép, dẫn đến hủy xương.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi