Nguy hiểm với người có bệnh nền về tim
Bác sĩ Trần Bá Lộc, khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM), cho biết có nhiều nguyên nhân đặc biệt có thể dẫn đến thói quen cắn móng tay như:
- Hình thức giải tỏa căng thẳng khi lo âu, stress, mắc các rối loạn tâm lý như ám ảnh cưỡng chế (OCD)...
- Trẻ em mọc răng cũng có thể hình thành thói quen cắn móng tay để giảm bớt sự khó chịu khi mọc răng.
- Bắt chước từ người khác, nhất là trẻ em thường hay bắt chước bạn bè.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, thói quen cắn móng tay cũng có thể liên quan đến di truyền hoặc mất cân bằng hóa học trong não. Một số người còn có nguy cơ cắn móng tay cao gấp 4 lần nếu họ có tiền sử gia đình mắc chứng cắn móng, đặc biệt là nếu tiền sử này xuất phát từ cả cha và mẹ, theo chuyên trang Health (Mỹ).
Nguy cơ cắn móng tay cao gấp 4 lần nếu họ có tiền sử gia đình mắc chứng cắn móng
Chị N.T.T.T (26 tuổi, Bình Dương) chia sẻ với Thanh Niên: “Tôi thường cắn móng tay khi đang làm việc hoặc suy nghĩ 1 vấn đề gì đó phức tạp, điều này là vô thức và lâu dần hình thành thói quen khó bỏ. Có người nói cắn móng tay nhiều dễ bị bệnh tim, nhưng tôi không thấy cơ thể có hại gì nên cũng không để tâm lắm”.
Từ đây, bác sĩ Bá Lộc nêu ý kiến: “Cắn móng tay không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, thói quen này có khả năng gây ra những ảnh hưởng gián tiếp dẫn đến các bệnh tim mạch do vi khuẩn từ móng tay. Chúng có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng máu, dẫn đến viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng trong van tim). Đặc biệt, nguy cơ này tăng lên khi bệnh nhân có sẵn các bệnh lý tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch (PDA)...”.
Nhiều tác hại khác và mẹo “cai” cắn móng tay
Ngoài tim mạch, thói quen cắn móng tay có thể gây lây truyền bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, từ đó có thể lan đến những nơi khác gây biến chứng nguy hiểm toàn thân. Bên cạnh đó, nhiễm trùng móng tay (chín mé); viêm khớp ngón tay; hỏng men răng; biến dạng móng gây mất thẩm mỹ… đều là những ảnh hưởng tiêu cực do thói quen này gây nên.
Thêm nữa, cắn móng tay có thể gây tổn thương mô, làm thay đổi diện mạo của móng, dẫn đến các bất thường như đổi màu đen hoặc nâu, vết lõm trên nền móng… Khi cắn móng, vùng da xung quanh các ngón tay dễ bị trầy xước. Điều này tạo ra môi trường mà vi khuẩn có thể dễ dàng lây truyền từ miệng sang ngón tay và ngược lại, có thể dẫn đến nhiễm trùng da hoặc dạ dày, theo Health.
Cắn móng tay cũng có thể ảnh hưởng đến răng và sức khỏe răng miệng nói chung. Các nghiên cứu cho thấy răng có thể bị sứt mẻ và chen chúc do áp lực liên tục khi cắn xuống. Trong một số trường hợp, nướu cũng có thể bị viêm do thói quen này. Từ đó, bác sĩ Bá Lộc đề xuất một số mẹo hữu ích giúp “cai chứng nghiện” cắn móng tay như sau:
![Thực hư việc cắn móng tay có thể gây mắc bệnh tim mạch- Ảnh 2. Thực hư việc cắn móng tay có thể gây mắc bệnh tim mạch- Ảnh 2.](https://archive.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Thuc-hu-viec-can-mong-tay-co-the-gay-mac.jpeg; charset=utf-8)
Sơn, trang trí móng tay có thể giúp hạn chế thói quen cắn móng tay
- Cắt ngắn móng tay. Đối với nhiều người, việc trang trí bộ móng (làm nail) cũng là cách hiệu quả để ngăn không cắn móng tay.
- Bôi dầu gió lên ngón tay.
- Đeo găng tay.
- Giữ trí não bận rộn để phân tâm khỏi việc cắn móng tay như: Nhai kẹo cao su, ngậm kẹo, hát ngân nga, nói chuyện, chơi thể thao, may vá, vẽ tranh, viết lách…
- Rửa tay thường xuyên bằng nước sát khuẩn hay xà phòng để ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh khi “lỡ” cắn móng tay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thuc-hu-viec-can-mong-tay-co-the-gay-mac-benh-tim-mach-185250211164002422.htm
Bình luận (0)