Tương lai mới của ngành sản xuất chip cũ ở Đài Loan

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ12/02/2025

Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhà sản xuất chip thế hệ cũ từ Trung Quốc, các công ty tại Đài Loan buộc phải điều chỉnh chiến lược giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.


Tương lai mới của ngành sản xuất chip cũ ở Đài Loan - Ảnh 1.

Ông Frank Huang, chủ tịch nhà sản xuất chip của Đài Loan PSMC - Ảnh: REUTERS

Năm 2015, Công ty Powerchip Technology (Đài Loan, Trung Quốc) ký thỏa thuận hợp tác với thành phố Hợp Phì (Trung Quốc) để mở nhà máy sản xuất chip truyền thông, kỳ vọng tiếp cận tốt hơn thị trường đại lục.

Sự trỗi dậy đáng lo

Chín năm sau, Powerchip buộc phải rút khỏi mảng kinh doanh tại đại lục do xu hướng nội địa hóa, trong khi Nhà máy Nexchip - từng thuộc Powerchip - lại trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của công ty này.

Theo Reuters, không chỉ Nexchip, nhiều nhà sản xuất chip thế hệ cũ khác của Trung Quốc như Hua Hong và SMIC cũng nhanh chóng mở rộng thị phần. Các loại chip "nút trưởng thành" - sản xuất theo công nghệ cũ từ 28nm trở lên - trở thành lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt, khiến các công ty Đài Loan phải tìm kiếm hướng đi mới.

Những công ty mới trỗi dậy đã mở rộng sản xuất mạnh mẽ, tăng gấp đôi sản lượng chip cũ, đồng thời giảm giá sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. 

Xu hướng này được thúc đẩy bởi các lệnh cấm của Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của Trung Quốc, cùng với sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ Chính phủ Bắc Kinh.

Theo TrendForce (Đài Loan), năm 2024 các nhà sản xuất Trung Quốc nắm giữ 34% thị phần chip "nút trưởng thành" so với 43% của Đài Loan. Tuy nhiên đến năm 2027, dự kiến Trung Quốc sẽ vượt qua Đài Loan trong lĩnh vực này.

Dữ liệu từ Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) cho thấy từ 2023 - 2025 có 97 nhà máy sản xuất chip mới được xây dựng, trong đó 57 nhà máy đặt tại Trung Quốc.

Dù các nhà sản xuất Đài Loan vẫn có lợi thế về độ ổn định quy trình và tỉ lệ năng suất cao hơn nhưng theo một giám đốc điều hành ngành chip ở Đài Loan, từ năm 2023 các công ty Trung Quốc đã quyết liệt hơn trong việc chào hàng và giành hợp đồng.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng chiến lược đầu tư dài hạn vào ngành công nghiệp bán dẫn, cung cấp các khoản trợ cấp hấp dẫn để thu hút nhân tài và phát triển công nghệ sản xuất chip nội địa. Điều này không chỉ giúp các nhà sản xuất Trung Quốc giảm chi phí mà còn tạo ra áp lực lớn đối với các đối thủ cạnh tranh tại Đài Loan.

Ngoài ra, chiến lược giảm giá mạnh của Trung Quốc đang khiến thị trường chip giá rẻ trở nên khốc liệt hơn. Nhiều khách hàng toàn cầu bắt đầu chuyển sang sử dụng các sản phẩm từ Trung Quốc thay vì Đài Loan, làm suy giảm lợi thế truyền thống của các nhà sản xuất Đài Loan trong ngành chip cũ.

Thay đổi để tồn tại

Đối mặt với áp lực cạnh tranh, các nhà sản xuất chip thế hệ cũ ở Đài Loan buộc phải rút lui hoặc chuyển sang các quy trình tiên tiến hơn. Ông Galen Zeng, giám đốc nghiên cứu cấp cao tại IDC, nhận định các công ty Đài Loan có khả năng sẽ chuyên môn hóa hơn và đa dạng hóa danh mục sản phẩm dù vẫn chịu áp lực từ đối thủ Trung Quốc.

Ông Frank Huang, chủ tịch Powerchip Semiconductor Manufacturing Corporation (PSMC, tiền thân là Powerchip Technology), cho biết công ty đang giảm sản xuất chip thế hệ cũ để tập trung vào công nghệ xếp chồng 3D. Đây là kỹ thuật tích hợp chip xử lý với bộ nhớ DRAM nhằm cải thiện hiệu suất và tiết kiệm năng lượng.

"Chúng tôi phải chuyển đổi, nếu không, việc Trung Quốc giảm giá sẽ khiến chúng tôi gặp khó khăn hơn nữa", ông Huang nhấn mạnh. Công ty UMC cũng thừa nhận rằng yêu cầu mở rộng quy mô toàn cầu đang đặt ra "thách thức nghiêm trọng". Họ hiện hợp tác với Intel để phát triển các loại chip tiên tiến hơn nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể làm dịu đi phần nào cuộc cạnh tranh gay gắt. Các công ty toàn cầu có xu hướng tìm kiếm nguồn cung chip bên ngoài Trung Quốc để đảm bảo chuỗi cung ứng, tạo ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất Đài Loan.

Một số chuyên gia nhận định Đài Loan vẫn có thể duy trì lợi thế cạnh tranh bằng cách tập trung vào công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và hợp tác với các tập đoàn lớn nhằm phát triển các dòng chip có giá trị cao hơn. Việc đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế.

Giám đốc Powerchip Huang cho biết họ đã nhận được một số đơn hàng vốn dành cho các nhà sản xuất Trung Quốc nhưng nay chuyển hướng sang Đài Loan. Ông dự đoán xu hướng này sẽ tăng tốc trong thời gian tới.

Châu Á - trung tâm sản xuất chip toàn cầu

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, khu vực này sản xuất hơn 80% chất bán dẫn toàn cầu. Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, cung cấp chip cho Nvidia, Apple và nhiều tập đoàn lớn khác.

Năm 2024, 70% doanh thu của TSMC đến từ khách hàng tại Bắc Mỹ. Bên cạnh TSMC, Samsung Electronics và SK Hynix (Hàn Quốc) chiếm khoảng 75% thị phần DRAM toàn cầu.

Tương lai mới của ngành sản xuất chip cũ ở Đài Loan - Ảnh 2.Đài Loan cảnh giác với ứng dụng DeepSeek

Đài Loan vừa cấm những người làm việc trong khu vực công và trong các cơ sở hạ tầng quan trọng sử dụng DeepSeek của Trung Quốc, cho rằng ứng dụng này có thể gây nguy hiểm cho an ninh hòn đảo.



Nguồn: https://tuoitre.vn/tuong-lai-moi-cua-nganh-san-xuat-chip-cu-o-dai-loan-20250212064729908.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available