(NLĐO) - Dữ liệu từ tàu vũ trụ Voyager 2 đã tiết lộ những hẻm núi đặc biệt ở Ariel, "mặt trăng sự sống" của Sao Thiên Vương.
Ariel là mặt trăng lớn thứ tư của Sao Thiên Vương, gần đây đã nổi lên như một trong những mục tiêu tiềm năng để săn tìm sự sống ngoài hành tinh.
Nhưng có một trở ngại lớn: Nơi mà các nhà khoa học kỳ vọng sự sống tồn tại nơi thế giới xa xôi và lạnh giá này là đại dương ngầm tiềm năng mà nó có thể đang che giấu. Tiếp cận một đại dương ngầm ngoài hành tinh là điều cực kỳ khó khăn.
Phân tích dữ liệu từ tàu vũ trụ Voyager của NASA, nhóm nghiên cứu đẫn dầu bởi nhà địa chất hành tinh Chloe Beddingfield từ Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã tìm ra giải pháp.
Bản đồ một số đặc điểm địa chất trên bề mặt Ariel và hình ảnh mà tàu NASA chụp mặt trăng này - Ảnh: NASA/ĐẠI HỌC JOHN HOPIKINS
Theo Science Alert, đại dương ngầm của Ariel nếu tồn tại thì cũng được bao bọc bởi một lớp vỏ băng dày.
Trong khi đó, các sứ mệnh tương lai cũng chỉ có thể đưa lên đó những thiết bị thám hiểm nhỏ bé, khó lòng đào sâu qua lớp vỏ băng có thể dày đến hàng chục km để đến được đại dương ngầm.
Vì vậy, chúng ta cần tận dụng các cấu trúc tự nhiên.
Theo TS Beddingfield và các cộng sự, bề mặt Ariel có nhiều vực sâu. Đó chính là nơi các sứ mệnh tương lai nên nhắm vào, vì chúng có thể chứa các trầm tích phun ra từ bên dưới. Những thứ đó bao gồm băng carbon dioxide và các trầm tích chứa carbon khác có thể là kết quả của các quá trình hóa học diễn ra bên trong mặt trăng.
Nếu đúng như vậy, những hẻm núi mà dữ liệu Voyager 2 tiết lộ có thể chính là "lối vào" thế giới sự sống mà chúng ta hy vọng, bởi các trầm tích dạng này vốn có thể tiết lộ về các quá trình sinh học.
Ngoài ra, các vật liệu phun ra bên trong các hẻm núi cũng có thể phản ánh thành phần hóa học của đại dương và cung cấp nhiều chi tiết về cấu trúc bên trong của Ariel cũng như cách mà nó hoạt động địa chất, nếu có.
Các vực thẳm trên bề mặt Ariel rất hấp dẫn, bao gồm nhiều đặc điểm địa chất "trẻ" mà các nhà khoa học kỳ vọng rằng có thể phản ánh một thế giới sôi động đang vận hành bên trong.
Ariel và các mặt trăng khác của Sao Thiên Vương như Oberon, Titania, Miranda... được kỳ vọng có một đại dương ngầm khá lớn bên trong và đã có sự sống từ lâu.
Một nghiên cứu từ Mỹ - Anh - Đức dẫn đầu bởi Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL) của NASA thậm chí cho rằng có thể cá đang bơi lội bên trong các đại dương này, cũng như một đại dương ngầm tiềm năng khác bên trong chính Sao Thiên Vương.
Voyager 2 chỉ bay ngang Sao Thiên Vương nên dữ liệu gửi về Trái Đất về hành tinh này và các mặt trăng - bao gồm Ariel - hãy còn hạn chế. Tuy vậy, NASA đã khởi động một sứ mệnh khác mang tên Uranus Orbiter and Probe dành riêng cho các thiên thể này.
Nguồn: https://nld.com.vn/loi-vao-the-gioi-su-song-ngoai-hanh-tinh-lo-ra-o-ariel-196250212093610613.htm
Bình luận (0)