Có con đang trong độ tuổi dậy thì, nhiều phụ huynh than phiền cảm thấy áp lực, thậm chí là bất lực khi con trở nên ương bướng, khó bảo và có xu hướng đua đòi theo bạn bè. Trước tình cảnh ấy, nhiều người đã chọn giải pháp cứng rắn để uốn nắn con, nhưng kết quả mang lại không như mong muốn, có khi còn gây ra tác dụng ngược!
Dậy thì = nổi loạn?
Nén tiếng thở dài, hướng ánh nhìn xa xăm để giấu đi sự bất lực trong đôi mắt đã ngân ngấn nước, chị K.M (TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Nhiều lúc buồn lắm, tôi đã từng nghĩ đây có phải là đứa con trai mà 16 năm trước mình đã phải thập tử nhất sinh để đẻ ra. Dẫu nhiều lần tôi đã tự an ủi bản thân, con tuổi này đang thay đổi tâm sinh lý, thích chứng tỏ mình đã trưởng thành, là một cá thể độc lập, nhưng không ngờ sự ương bướng lại đi xa đến mức muốn nổi loạn như vậy”.
Gần 2 năm trở lại đây, chị K.M chưa bao giờ có được giấc ngủ ngon vì phải “đau đầu” với đứa con trai đang ở tuổi ăn tuổi lớn. Từ một cậu bé ngoan ngoãn, hiểu chuyện, sống tình cảm, luôn cười vui mỗi khi cha mẹ phàn nàn thì sau khi chuẩn bị bước vào cấp 3 dường như đã hoàn toàn “lột xác”, trở nên khó bảo, thậm chí còn tranh luận gay gắt mỗi khi cha mẹ nhắc nhở. Có lần, chị K.M bị giáo viên chủ nhiệm mời lên nói chuyện vì phát hiện em tụ tập với nhóm bạn lén hút shisha và kết quả học tập bắt đầu sa sút. Không khí gia đình trở nên ngột ngạt, bữa cơm không còn rộn rã tiếng cười mà thay vào đó là lời trách mắng, đôi lúc cậu con trai còn tức tối bỏ ngang bữa ăn vào phòng.
Dù cha mẹ đều là giáo viên dạy Văn, tính tình ôn hòa nhưng T.T (huyện Đông Hải) lại là một đứa trẻ có cá tính mạnh. Khi bước vào tuổi dậy thì cô bé càng trở nên bướng bỉnh, nổi loạn tới mức cha mẹ, gia đình phải hứng chịu những cú sốc liên hoàn. Lớp 7, cô bé đã bắt đầu chưng diện mỗi khi đến lớp hoặc ra khỏi nhà. Lên lớp 9 thì sa vào chuyện yêu đương, thường xuyên cúp tiết để la cà cùng bạn bè. Ba năm học THPT, cô bé suýt nghĩ quẩn vì mối tình yêu đương mù quáng với cậu bạn cùng lớp. Cũng may, T.T gượng dậy được, cũng đi học đại học, nhưng rồi chưa hết năm cuối thì cha mẹ T.T phải gấp rút chuẩn bị đám cưới để “chạy bầu”. Chỉ tội cho cha mẹ T.T khi phải đối diện với nhiều cú sốc, từ bất ngờ, hoang mang rồi đến tuyệt vọng nhưng biết làm sao được khi con dại thì cái phải mang!
Một nhóm bạn trẻ tụ tập hút shisha. Ảnh: Đ.K.C
Hãy cảm thông để “làm mát” những “cái đầu nóng”
Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, câu chuyện trẻ trở nên ương bướng, chống đối ở tuổi dậy thì là vấn đề mà nhiều gia đình đang phải đối diện. Ở tuổi này, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về thể chất, trẻ còn có sự thay đổi rõ rệt về tâm lý, cùng với đó là mong muốn được khẳng định cái tôi cá nhân. Có rất nhiều cách để trẻ khẳng định bản thân ở tuổi dậy thì, có em sẽ chọn cách nổi bật bằng sự nổi loạn, để rồi trượt dài, sa ngã, quậy phá, đua đòi…
Giai đoạn này, nếu như thiếu đi sự chỉ dẫn, đồng hành của người lớn để phân tích đúng – sai, đưa ra những giới hạn thì rất có thể những biểu hiện tiêu cực dần trở thành lối mòn trong tính cách, tác động xấu đến phẩm chất, cũng như sự phát triển của trẻ về sau. Tuy nhiên, trên thực tế không phải phụ huynh nào cũng cư xử khéo léo khi con nổi loạn, nhiều người còn phạm sai lầm khi áp dụng biện pháp mạnh như đánh đập, cấm đoán. Nhưng càng cấm thì trẻ càng có xu hướng chống đối, cho rằng cha mẹ không chịu hiểu cho mình, ngày càng tổn thương, thậm chí là nghĩ quẩn! Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái sẽ ngày một xa hơn.
Các chuyên gia cho rằng, tuổi dậy thì chính là thời điểm để trẻ tìm hiểu bản sắc cá nhân, nên việc “lạc hướng” là điều không thể tránh khỏi! Thế nên, thay vì đánh mắng hay chỉ trích con một cách nặng nề, thì phụ huynh cần bao dung để cùng con vượt qua giai đoạn “khẳng định bản ngã”. Khi con lầm lỡ, phụ huynh hãy đồng cảm, đặt mình vào vị trí của con để lắng nghe, phân tích đúng sai trong từng hành vi. Hãy dành thời gian trò chuyện cùng con nhiều hơn, giúp con hiểu rằng cha mẹ là những “người bạn lớn” đầy tin cẩn luôn đồng hành, thấu cảm cùng con trên mỗi hành trình, giai đoạn lớn khôn. Cha mẹ nên học cách tiết chế cái tôi trong giao tiếp, ứng xử; học cách “nhẫn” để kiềm chế những cơn nóng giận trước sự ồn ào, nổi loạn của con.
Sẽ không có một công thức chung nào để giáo dục cho mọi đứa trẻ. Nhưng chắc chắn rằng mọi đứa trẻ đang ở độ tuổi ẩm ương đều cần sự quan tâm, sẻ chia và thấu hiểu. Bởi vậy, trên hành trình dậy thì của các con, bên cạnh sự đồng hành của phụ huynh, gia đình thì giáo viên cũng hãy là những người bạn đáng tin cậy nhất!
Kim Trúc