Những năm gần đây, người nông dân phải cùng lúc đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của giá vật tư đầu vào tăng cao, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn tôm, cá đến các trang thiết bị phục vụ sản xuất. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng nông sản thì luôn bấp bênh, nhiều vụ nông dân sản xuất gần như không có lợi nhuận. Từ đó, đòi hỏi nông dân phải linh hoạt thay đổi trong sản xuất, ứng dụng những giải pháp tiết kiệm chi phí phù hợp, giảm giá thành sản xuất.
Một hộ nuôi tôm ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) tiếp thức ăn vào máy cho tôm ăn tự động.
Áp dụng những kỹ thuật mới
Theo thống kê của ngành chuyên môn, hằng năm chi phí sản xuất vụ lúa dao động khoảng 25 – 27 triệu đồng/ha. Nguyên nhân của việc giá thành sản xuất lúa tăng cao là do người dân lạm dụng quá nhiều các loại phân, thuốc. Để khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai cho nông dân áp dụng nhiều hình thức sản xuất cắt giảm lượng phân bón, thay thế phân bón hóa học bằng các loại phân bón sinh học có giá thấp hơn. Đồng thời, sử dụng phân bón sinh học sẽ tăng tính đệm cho đất, giảm sâu bệnh trên đồng ruộng, nâng cao về chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, phương pháp sạ thưa để kéo giảm lượng giống cũng là một trong những chìa khóa để nông dân giảm chi phí. Bởi lúa gieo sạ đúng tỷ lệ theo khuyến cáo: gieo sạ không quá 80kg/ha đối với sạ lan và không quá 60kg/ha đối với sạ hàng, sạ theo cụm, lúa sẽ được cung cấp dưỡng chất đầy đủ hơn để phát triển mà không cần bón phân nhiều và khi bón ít phân thì sẽ ít sâu bệnh, nên cũng ít sử dụng hóa chất, đều này đã dẫn đến giảm chi phí sản xuất rõ rệt cho nông dân.
Ông Lê Thanh Tú – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Chi cục đã thí điểm thành công nhiều mô hình canh tác tiết kiệm và từ đó nhân rộng để nông dân áp dụng. Từ đó, giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cuối vụ cho nông dân. Đồng thời, ngày càng có nhiều nông dân cũng mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, từ đó tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng để cung ứng cho thị trường”.
Bón phân, phun thuốc là một trong những biện pháp kỹ thuật khá phổ biến, mang lại hiệu quả lớn về năng suất, đóng vai trò rất quan trọng, quyết định cho vụ mùa. Thế nhưng, việc sử dụng không đúng, lạm dụng sẽ đẩy giá chi phí sản xuất mùa vụ tăng cao khiến nông dân sản xuất lợi nhuận thấp. Vì vậy, áp dụng phương pháp cắt giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật là rất cần thiết. Điều này đã được chứng minh khi nông dân tham gia sản xuất theo phương pháp này cho hiệu quả khá.
Nông dân huyện Hồng Dân sử dụng máy sạ lúa theo khóm để giảm chi phí đầu vụ. Ảnh: C.L
Kéo giảm giá thành sản xuất
Không riêng gì cây lúa, thời gian qua, lĩnh vực nuôi tôm cũng gặp khó khăn, khi giá vật tư đầu vào liên tục tăng và giữ ở mức cao. Vì vậy, nhiều hộ nuôi tôm đã áp dụng các giải pháp nuôi tiết kiệm chi phí để duy trì lợi nhuận. Bởi thông thường, chi phí sản xuất cho 1kg tôm loại 100 con dao động từ 75.000 – 80.000 đồng và sẽ tăng nếu nuôi về size lớn nên khi giá tôm loại 100 con rơi vào mức dưới 80.000 đồng, nông dân chắc chắn sẽ không có lợi nhuận dù trúng tôm. Ông Nguyễn Văn Hoạt (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Giá tôm thì liên tục biến động trong khi giá thức ăn, các trang thiết bị phục vụ nuôi tôm liên tục tăng cao trong thời gian qua, chỉ khi kéo giảm chi phí đầu vào thì người nuôi tôm mới mong có lãi. Không chỉ vậy, với con tôm, mình phải luôn theo sát, quan sát tỉ mỉ để cung cấp đúng cái môi trường ao nuôi, con tôm cần để tránh lạm dụng thuốc một cách kém hiệu quả mà không mang lại lợi ích cao”.
Phát huy những kết quả này, thời gian tới, ngành thủy sản sẽ tiếp tục phổ biến, nhân rộng những hình thức sản xuất mới gắn với liên kết chuỗi để phát triển bền vững ngành tôm.
Dù chỉ mới hình thành và phát triển vài năm nay, nhưng hình thức sản xuất tiết kiệm chi phí áp dụng trên sản xuất lúa và nuôi tôm sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong sản xuất mà ngành Nông nghiệp đang hướng đến: Phát triển nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị. Ông Nguyễn Hoàng Xuân – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: “Bên cạnh việc khuyến khích các hộ nuôi tôm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để kéo giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cuối vụ thì Chi cục cũng hỗ trợ bà con trong việc bảo vệ môi trường, chủ động phòng, trị các loại dịch bệnh có thể phát sinh cũng như nắm bắt thông tin thị trường để từ đó có những tính toán phù hợp, hướng đến xây dựng thương hiệu cho con tôm Bạc Liêu trên thị trường”.
Hiện nông dân Bạc Liêu đang bước vào vụ lúa hè thu, một vụ mùa mà luôn được xem là gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất trong năm. Trong niềm hy vọng mới về thị trường tiêu thụ phục hồi, mong rằng với những giải pháp của ngành chức năng trong việc kết nối nông dân đến gần với nền nông nghiệp hiện đại, trọng tâm là nâng chất lượng nông sản sẽ giúp nông sản tỉnh Bạc Liêu chắp cánh bay cao và bay xa hơn.
Khôi Nguyên