Những câu hát soóng cọ từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng có của người Sán Chỉ. Đây là sản phẩm tinh thần, là niềm tự hào của người Sán Chỉ, tuy nhiên, theo thời gian đã dần mai một. Và các địa phương có người Sán Chỉ sinh sống đang nỗ lực phục dựng loại hình diễn xướng dân gian này để phát huy giá trị di sản trong đời sống xã hội và thu hút du lịch.
Theo tiếng Sán Chỉ thì Soóng cọ có nghĩa là ca hát, hát đối, hát giao duyên. Lời hát gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng). Soóng cọ do từng đôi nam nữ, hay một tốp nam, tốp nữ hát đối đáp trong ngày hội xuân, trong lễ cưới, khi lao động sản xuất, lúc nông nhàn. Bởi tính chất ứng tác đó nên hát Soóng cọ đòi hỏi người hát phải nhanh trí, giỏi đặt lời mới. Trước kia, Ngày hội Soóng cọ, đồng bào Sán Chỉ còn gọi là Hội hát tháng Ba thường diễn ra vào cuối mùa xuân, khi vụ cấy đã xong, trai gái hò hẹn nhau tụ hội lên đồi, ra suối để bày tỏ tình cảm yêu thương, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn, những công việc hàng ngày để quên đi mệt mỏi, chia sẻ những lời tâm sự, ước mơ cho một cuộc sống ấm no.
Ngày hội hát tháng Ba không còn được duy trì nhưng các nghệ nhân vẫn tự nguyện sưu tầm, lưu giữ và truyền dạy Soóng cọ. Nghệ nhân Dân gian Trạc A Thìn, Chủ nhiệm CLB Hát Soóng cọ, xã Húc Động (huyện Bình Liêu), cho biết: Các bài hát cổ cũng như bài hát mới đã được chúng tôi tìm hiểu ghi lại. Theo thống kê chưa đầy đủ thì cũng phải có đến trên dưới 1.000 bài hát. Để duy trì cho lớp trẻ sau này, CLB đã mở lớp dạy cho các cháu học sinh ở trường THCS xã. Hiện CLB rất mong kết nạp được nhiều hội viên, sáng tác và duy trì được các bài hát cổ.
Huyện Bình Liêu cũng đã tổ chức khôi phục Ngày hội Soóng cọ hàng năm gắn với phục dựng loại hình hát Soóng cọ của người Sán Chỉ. Hội Soóng cọ được tổ chức vào 16/3 âm lịch khi lúa chiêm xuân vừa cấy xong, những vất vả nhọc nhằn tạm gác lại. Xưa kia, hội thường diễn ra trong đêm trăng sáng; hiện nay kéo dài và mở rộng ra nhiều không gian bản làng, đồi núi, suối khe. Hội Soóng cọ với lời ca tiếng hát ngọt ngào như lời mời gọi du khách bốn phương về với Bình Liêu để thưởng thức những làn điệu dân ca và tham quan những phong cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ.
Hội Soóng cọ năm 2023 vừa qua đã tái hiện “Huyền thoại Soóng cọ” – khúc hát giao duyên của người Sán Chỉ. Bên cạnh trình diễn các làn điệu dân ca trên sân khấu, Hội Soóng cọ năm 2023 còn có nhiều hoạt động đa dạng và phong phú như: Chương trình văn nghệ hát giao duyên dưới chân thác Khe Vằn, đêm lửa trại giao lưu hát Soóng cọ, giữa các nghệ nhân, nhân dân và du khách, tái hiện màn Soóng cọ khi khách đến chơi nhà.
Hội Soóng cọ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Sán Chỉ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, biến di sản văn hóa thành tài sản du lịch. Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Trong những năm qua, thực hiện chủ trương bảo tồn di sản giá trị văn hóa các dân tộc, huyện Bình Liêu đã khôi phục di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó có di sản hát dân ca Soóng cọ. Lễ hội Soóng cọ của xã Húc Động được khôi phục từ năm 2005. Đến nay, các hoạt động của lễ hội diễn ra thường xuyên và ngày càng đi vào chiều sâu. Lễ hội đã lan tỏa có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc trong xã, trong huyện, người Sán Chỉ trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.
Để làn điệu Soóng cọ được lưu giữ và phát triển, huyện Bình Liêu đang vận động các cấp, các ngành và cộng đồng người Sán Chỉ tăng cường nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa hát Soóng cọ. Cũng theo ông Hoàng Ngọc Ngò, trong thời gian tới, huyện Bình Liêu sẽ tạo các điều kiện tốt nhất để tổ chức nghiên cứu, bảo tồn, đưa vào trường học truyền dạy cho các em học sinh và tạo điểm nhấn cho sự phát triển du lịch cộng đồng gắn với danh thắng thác Khe Vằn, núi Cao Ly, bản Lục Ngù của xã Húc Động.