Lễ hội đền Trần: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Việt NamViệt Nam10/02/2025


Mảnh đất Long Hưng xưa - Hưng Hà ngày nay là nơi phát tích, dựng nghiệp của vương triều Trần, nơi sinh ra các bậc minh quân, tướng lĩnh tài ba, đồng thời là khởi nguồn hào khí Đông A, hun đúc nên ý chí kiên cường. Từ giá trị lịch sử và bản sắc văn hóa độc đáo riêng có, năm 2014, lễ hội đền Trần tại Thái Bình được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Các kỳ lễ hội từ ngày 13 - 17 tháng Giêng hàng năm tại đây như sợi dây vô hình mà bền chặt kết nối thế hệ hôm nay với truyền thống lịch sử vẻ vang, đồng thời góp phần tôn vinh giá trị đặc biệt của di sản văn hóa thời Trần trên quê hương Long Hưng - Hưng Hà.

Lễ rước nước trong lễ hội đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) thu hút hàng trăm người tham gia.

Vùng quê phát tích, dựng nghiệp của vương triều Trần 

Kể từ khi di tích được phục dựng và tôn tạo, lễ hội đền Trần được khôi phục và duy trì hàng năm theo đúng định lệ. Điểm sáng văn hóa của lễ hội là nhiều lễ thức cổ truyền mang đậm tính nhân văn cùng những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống có cội nguồn từ thời Trần được duy trì nghiêm cẩn và bền vững. Năm nay, lễ hội mang ý nghĩa đặc biệt gắn với kỷ niệm 800 năm sáng lập vương triều Trần (1225 - 2025).

Sử sách còn ghi, ngay sau khi sáng lập vương triều, nhà Trần đã sớm chú trọng xây dựng lực lượng ở vùng quê cha đất tổ thành nơi tựa dựa vững chắc để chủ động triển khai các kế sách hưng nghiệp và giữ nghiệp. Trong đó, đã chú trọng khuyến nông, tổ chức đào sông, đắp đê, ban phong đất đai cho các bậc công hầu, khanh tướng, lập những điền trang, thái ấp; tuyển mộ trai tráng ở quê nhà đưa về kinh đô lập thành những đội quân tin cậy để bảo vệ triều đình; chăm lo xây dựng lực lượng quân đội tại chỗ; tập hợp, dự trữ binh lương ở bản quán; xây dựng Long Hưng trở thành hậu phương vững chắc, cung cấp binh lương cho các cuộc kháng chiến. 

Tự hào là nơi phát tích, dựng nghiệp của vương triều Trần, từ nhiều thập kỷ qua Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã chú trọng triển khai các hoạt động thiết thực tôn vinh giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa thời Trần trên quê hương. Trong đó, tiếp tục nâng cao vị thế của lễ hội đền Trần, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của các tầng lớp nhân dân. 

Trang nghiêm lễ rước nước trong lễ hội đền Trần. 

Trong chuỗi hoạt động của lễ hội đền Trần hàng năm, song song với những hội thi dân gian nhắc nhớ con cháu về thuở hàn vi nhà Trần làm nghề chài lưới trên sông còn có những hội thi thể hiện sự linh hoạt trong mọi tình huống nuôi quân, bảo đảm tiến quân bách chiến bách thắng. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc lễ hội luôn thể hiện tinh thần thượng võ. Ngoài các màn sử thi với sự dày công thực hiện của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, kỳ lễ hội năm 2024 và năm 2025 còn có sự góp mặt của 175 tay trống thể hiện cho 175 năm trị vì của vương triều Trần. 

Tham gia màn trống hội năm nay là các học sinh đến từ Trường THPT Hưng Nhân (Hưng Hà). Cô giáo Nguyễn Thị Đào, Trường THPT Hưng Nhân cho biết: Rất vinh dự cho cô và trò nhà trường được đồng hành với ban tổ chức trong chương trình đặc biệt màn trống hội và vở diễn khai mạc lễ hội đền Trần. Qua các hoạt động ý nghĩa này, chúng tôi mong muốn góp phần giáo dục cho các em học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và giáo dục các em luôn trân trọng những nét đẹp văn hóa trong truyền thống của quê hương Hưng Hà. 

Phát huy giá trị truyền thống văn hóa 

Từ năm 2023, lễ hội đền Trần được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Việc tổ chức lễ hội thường niên đã góp phần phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và tạo ra sức bật mới xây dựng quê hương, đất nước. Là người con địa phương sinh sống, lập nghiệp xa quê nhưng năm nào ông Bùi Minh Lập (thành phố Hà Nội) cũng về tham gia lễ hội. Ông chia sẻ: Tôi rất tự hào về quê hương của mình, nơi di tích và lễ hội đền Trần ngày càng được quan tâm bảo tồn và phát huy. Năm nào chúng tôi cũng trở về quê hương vào mùa lễ hội để hòa mình vào không khí lễ hội truyền thống. Năm nay, càng tự hào hơn khi lễ hội không chỉ bảo lưu các nghi thức tế lễ, hội thi dân gian mà còn tổ chức hội chợ kết nối cung cầu với nhiều gian hàng đặc sắc. Mong sao lễ hội ngày càng phát triển, là điểm đến của du khách không chỉ trong nước mà cả khách quốc tế. 

Nghi thức tế lễ, hội thi dân gian tại lễ hội đền Trần được tổ chức theo định lệ cổ truyền. 

Mỗi mùa lễ hội đền Trần, các nghi thức tế lễ cổ truyền được bảo lưu như tế mở cửa, dâng hương tại lăng mộ các vua Trần, lễ rước (rước thủy và rước bộ), lễ bái yết. Năm nay, điểm nhấn trong lễ khai mạc lễ hội là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Rạng rỡ Thái Bình - Miền Thánh Mẫu - Đất Thánh Nhân - Dấu thiêng Phật pháp - Phát tích vương triều Trần”. Ngoài ra, trong các ngày lễ hội sẽ có đa dạng hoạt động phần hội được tổ chức như hội chợ kết nối cung cầu doanh nhân họ Trần với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thi cỗ cá, pháo đất, gói bánh chưng, têm trầu cánh phượng, vật cầu, cờ tướng, kéo lửa nấu cơm cần, kéo co, liên hoan hát văn, giao lưu câu lạc bộ chèo... 

Hội thi dân gian trong lễ hội đền Trần thu hút sự tham gia tích cực của người dân địa phương.

Là một trong những người gắn bó với di tích và các mùa lễ hội đền Trần, ông Hoàng Đình Bích, xã Tiến Đức (Hưng Hà) thông tin: Tất cả các hội thi dân gian trong lễ hội đền Trần đều được nhân dân địa phương chuẩn bị chu đáo từ con người đến nguyên liệu, điều kiện tham gia lễ hội. Các hội thi không chỉ là dịp so tài giữa các thôn trong xã, các xã trong huyện mà còn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm, khám phá mới mẻ, thú vị. Bản thân tôi khi tham gia hội thi kéo lửa nấu cơm cần đều tích cực chia sẻ với du khách về những điều độc đáo và ý nghĩa của hội thi này, khuyến khích du khách ghi lại nhiều hình ảnh về hội thi. 

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần có diện tích 195,01ha; hiện nay đã hoàn thành hồ sơ lập quy hoạch chi tiết để lập dự án đầu tư công và huy động các nguồn lực để triển khai trong thời gian tới. Lễ hội đền Trần với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng cùng sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân sẽ là điểm đến không thể bỏ lỡ trên quê lúa Thái Bình. Qua đó, thiết thực thúc đẩy du lịch văn hóa tâm linh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 

Tú Anh 

 



Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/217654/le-hoi-den-tran-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available