Làng Lệ Mật (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) vốn có nghề bắt rắn, chế biến ẩm thực, làm thuốc… từ rắn. Trước sự thay đổi của xã hội và những quy định về bảo vệ động vật hoang dã, làng Lệ Mật đã chuyển đổi thành làng du lịch – làng ẩm thực nổi tiếng .
Làng rắn Lệ Mật từ lâu đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước với nghề bắt rắn, nuôi rắn và chế biến đặc sản từ rắn. Lệ Mật còn nổi tiếng với hệ thống di sản nơi đây.
Đình Lệ Mật là ngôi đình có quy mô lớn, thờ Thành hoàng làng là ông Nguyễn Quý Công, nguyên là một chàng trai có công vớt xác công chúa nhà Lý trên sông Thiên Đức.
Sau này, vua Lý ban ơn, cho ông dẫn con em làng Lệ Mật khai phá vùng đất phía Tây thành Thăng Long, lập ra 13 làng trại. Đó chính là các phường: Ngọc Hà, Kim Mã, Vĩnh Phúc… thuộc quận Ba Đình ngày nay.
Đến Lệ Mật hôm nay, ngay cạnh đình làng là căn nhà khang trang, được xây theo phong cách kiến trúc truyền thống. Đó là không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Làng nghề truyền thống Lệ Mật.
Tại đây, khách tham quan được khám phá lịch sử làng nghề, những sản phẩm từ con rắn của làng nghề. Trong đó, được nhiều người chú ý là những sản phẩm rắn ngâm rượu để bồi bổ sức khoẻ.
Anh Ngô Văn Dương đảm nhiệm việc trông coi Nhà trưng bày Lệ Mật chia sẻ, không gian trưng bày được thành lập nhằm quảng bá những sản phẩm làm từ rắn – đặc trưng của làng nghề. Anh Dương khẳng định đây là điểm đến đầu tiên của các du khách với mong muốn khám phá các sản phẩm làm từ rắn.
Những người trung, cao tuổi ở Lệ Mật đều nhớ rõ, thời xưa, người làng Lệ Mật đi khắp nơi bắt rắn đem về chế biến món ăn, hoặc làm thuốc. Nhưng rồi, dần dần, các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã ra đời. Một số loài rắn được đưa vào diện phải được bảo vệ. Nghề rắn ở Lệ Mật có nguy cơ đi vào ngõ cụt.
Làng rắn Lệ Mật nay đã trở thành điểm du lịch của thành phố. |
Năm 2016, Ủy ban nhân dân quận Long Biên xây dựng, triển khai Đề án “Phát triển làng nghề Lệ Mật giai đoạn 2016-2020” và được người dân rất ủng hộ. Người Lệ Mật chuyển hướng sang nuôi rắn và được chính quyền quản lý, giám sát.
Từ chỗ tưởng chừng mất nghề, người Lệ Mật tiếp tục gắn bó với nghề nuôi rắn, chế biến ẩm thực. Từ một con rắn, người đầu bếp có thể chế biến tới 15 món ăn khác nhau. Không một bộ phận nào của con rắn bị bỏ đi, từ thịt, xương, da, máu, mật… đều có thể biến hóa trở thành những món ăn, vừa tối ưu chi phí, vừa tạo nên sự đa dạng trong ẩm thực.
Hiện nay, Lệ Mật có Hợp tác xã Làng nghề, với 25 hộ gia đình tham gia Hợp tác xã. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc HTX làng nghề Lệ Mật cho biết: Nghề nuôi rắn mang lại giá trị kinh tế cao, vừa có ý nghĩa, tác dụng trong y học, vừa bồi bổ sức khỏe cho con người bởi mùi vị thơm ngon, nhiều dinh dưỡng.
Dù tốc độ đô thị hoá làm diện tích bị thu hẹp, số lượng hộ nuôi rắn giảm nhưng vẫn còn một số hộ nuôi từ 50 đến 70 con, chủ yếu là rắn hổ mang, rắn ráo, hổ trâu… Số lượng rắn đủ để cung cấp cho nhà hàng trên địa bàn, đồng thời duy trì việc sinh sản.
Thế hệ trẻ cũng nhiều người gắn bó với nghề nuôi rắn. Anh Trương Minh Khánh là một điển hình cho thế hệ trẻ rất nhiệt huyết để giữ nghề truyền thống. Gia đình anh vừa nuôi rắn vừa có nhà vườn ẩm thực Rắn Ráo. Gia đình anh đã nuôi rắn từ 20 năm nay, có quy mô khoảng 50 chuồng, với hai loại rắn hổ mang và rắn hổ trâu, số lượng này chủ yếu để phục cho nhà hàng.
“Tôi muốn góp phần phát triển nghề truyền thống của quê hương, ngoài việc mở rộng quy mô chuồng nuôi, tôi sẽ mở các nhà hàng để phục vụ nhu cầu, thị hiếu của du khách. Đặc biệt là phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống để giới thiệu đến du khách”, anh Khánh cho biết.
Mặc dù vậy, trước sự thay đổi của quan niệm xã hội, nhu cầu thưởng thức thịt rắn, dùng bào chế thuốc giảm đi. Các hộ gia đình chuyển hướng kinh doanh đặc sản rắn với kinh doanh ẩm thực, chủ yếu là ẩm thực đồng quê để đa dạng hoá sản phẩm.
Con rắn từ chỗ là “món chính”, nay trở thành đối tượng để thực hiện trưng bày, giới thiệu về các loài rắn, quy trình nuôi rắn để khách du lịch có điều kiện khám phá, tìm hiểu. Điều này giúp làng rắn xưa vẫn giữ được nét đặc trưng của mình mà vẫn thích ứng với cuộc sống, có điểm nhấn riêng trong bối cảnh cạnh tranh hết sức mạnh mẽ.
Năm 2024, Lệ Mật được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là Điểm du lịch cấp thành phố, kết hợp giữa những di sản quý báu như cụm di tích đình làng Lệ Mật và các món ẩm thực, Lệ Mật trở thành một trong những điểm đến yêu thích của du khách.
Nguồn: https://nhandan.vn/tu-lang-ran-den-lang-du-lich-am-thuc-post851460.html