Hai cánh tay chị Mai chi chít sẹo, vết thương hình tròn sâu, rỉ dịch, viêm đỏ…, là kết quả tự cào rách da mỗi lần căng thẳng, lo âu.
Sau một tuần điều trị tại chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, những vết thương trên tay chị Phạm Thị Mai (37 tuổi, quận Tân Phú) bắt đầu lành lặn. Chị được bác sĩ hỏi thăm tình trạng sức khỏe tinh thần, động viên tiếp tục điều trị làm mờ sẹo. Sau buổi tái khám, chị Mai được nhân viên chăm sóc khách hàng đưa đến quầy mua thuốc và dẫn ra bến xe buýt trước cổng bệnh viện để về nhà.
Trước đó, tại phòng khám, chị Phạm Thị Mai chọn một chỗ ở cuối dãy, sát trong tường để ngồi. Nhân viên chăm sóc khách hàng đọc tên đến lần thứ ba, chị mới nhận ra có người gọi mình. Hơn 10 phút, chị vẫn hướng mắt xuống sàn nhà, vô thức dùng tay bấu vào vết thương. Nhận thấy sự bất thường ở tâm lý của bệnh nhân, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích trấn an tinh thần chị.
Một lúc sau, chị Mai chia sẻ suốt một năm nay chị cảm thấy buồn bực, cáu gắt, có lúc tuyệt vọng vì không có người đồng cảm và lắng nghe. Mỗi lần khó chịu trong người, chị dùng tay véo da, có khi véo đến chảy máu. Chị cho biết, bản thân cảm thấy tinh thần thoải mái hơn khi tự làm mình bị thương.
Khi những vết thương cũ chưa kịp lành, chị lại tạo vết thương mới. Gần một năm, cánh tay chị chi chít sẹo thâm và vết thương hở. Một tuần nay, chị cảm thấy tay đau nhiều, sưng đỏ, vết thương rỉ dịch. Chị đi một mình đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM để thăm khám.
Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích cho biết, người bệnh tổn thương da nhiều vùng ở hai cánh tay, vết thương sâu tới lớp mỡ, có hình dáng giống và tương tự nhau. Nhiều vùng đã lành, hình thành sẹo ở bắp tay và khuỷu tay. Tay xuất hiện nhiều sẹo cũ và vết thương mới cho thấy bệnh nhân bị tổn thương lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Vết thương bị sưng đỏ, rỉ dịch do nhiễm trùng, nếu không điều trị kịp thời sẽ áp xe (mưng mủ) gây tổn thương sâu hơn.
Chị Mai được kê thuốc bôi giúp lành vết thương, chống nhiễm trùng, thuốc uống kháng sinh và kháng viêm. Bác sĩ Bích khuyên chị tái khám để được bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da và chuyên khoa Tâm lý phối hợp kiểm tra vết thương, điều trị.
Lần tái khám sau, chị Mai đã chủ động nói chuyện với bác sĩ nhiều hơn. Các vết thương trên tay đã lành, chị cũng hỏi bác sĩ về các phương pháp điều trị sẹo. Chị được kê thuốc bôi mờ sẹo, tiếp tục sử dụng thuốc bôi để các vết thương nhỏ lành hẳn. Bác sĩ Bích khuyến khích chị chủ động chăm sóc da, bôi thuốc theo chỉ định để nhanh mờ sẹo.
Bác sĩ Bích cho biết từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến xóa sẹo sau nhiều lần tự làm tổn thương da bằng dao lam, vật sắc nhọn, châm thuốc lá hay tự dùng móng tay cào… Phần lớn người bệnh cảm thấy hối hận sau những hành động của mình. Một số bệnh nhân chia sẻ, vì muốn gây sự chú ý với người thân nên họ chọn cách tự làm tổn thương mình.
Bác sĩ khuyến cáo, việc sử dụng dao lam, vật sắc nhọn để làm tổn thương da có thể mắc các bệnh lây nhiễm nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu mất máu nhiều. Việc sử dụng thuốc lá, vật nóng châm vào tay gây bỏng có thể để lại sẹo lồi. Những vết thương trên da nếu không được xử trí đúng cách có thể nhiễm trùng, viêm loét, mưng mủ, tổn thương sâu ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Nếu nhận thấy bản thân, bạn bè, người thân có dấu hiệu tự làm tổn thương cơ thể, mọi người nên khuyên họ đến chuyên khoa tâm lý để được tư vấn và điều trị.
Đinh Tiên
*Tên nhân vật đã được thay đổi