Thành phố phát hành trái phiếu quốc tế sẽ huy động được vốn đầu tư hạ tầng, giảm bớt vốn vay ODA, theo TS Trần Du Lịch.
Ý kiến được ông Lịch nêu tại hội nghị triển khai nghị quyết 98 thực hiện một số cơ chế, đặc thù phát triển TP HCM, chiều 15/7. Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua hôm 24/6, trao cho thành phố một số cơ chế, chính sách đặc thù ở nhiều lĩnh vực như đầu tư hạ tầng, tài chính ngân sách, xây dựng – quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tổ chức bộ máy…
Theo ông Lịch, nội dung này đã được chính quyền thành phố đề xuất nhưng không vào được nghị quyết. “Tuy nhiên vẫn có một điểm mở để TP HCM nghiên cứu thực hiện sớm”, ông Lịch nói.
Cụ thể, trong nghị quyết 98 nêu rõ với những vấn đề có nội dung khác chưa được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội nhưng để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thu hút đầu tư chiến lược, huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội thì TP HCM báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, xem xét quyết định.
Theo chuyên gia kinh tế, phát hành trái phiếu quốc tế là điểm mấu chốt để giải quyết nguồn vốn cho thành phố, trước mắt là sớm hoàn thành hệ thống Metro. Cùng với đó, Chính phủ và thành phố, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Quốc hội đề án thành lập Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM để tạo ra đột phá thu hút nhà đầu tư chiến lược. Ông Lịch cho rằng vay thương mại có khi còn rẻ hơn ODA.
Trước đó, cơ chế phát hành trái phiếu quốc tế cũng đã được UBND TP HCM đưa vào dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố trình Quốc hội.
Lý giải đề xuất, thành phố cho rằng việc huy động nguồn vốn từ trái phiếu hiện nay chưa phát huy hết hiệu quả. Theo đó, TP HCM chỉ có thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn trong nước. Muốn vay nước ngoài vẫn phải thực hiện quy trình theo pháp luật hiện hành. Như vậy, về cơ bản sẽ không rút ngắn được thời gian thực hiện, chưa tạo sự thông thoáng và nâng cao trách nhiệm của địa phương đối với nguồn vốn trái phiếu trả từ ngân sách thành phố.
Bên cạnh đó, nếu chỉ phát hành trái phiếu trong nước thì số lượng trái chủ tiềm năng ít, lãi suất huy động cũng thường cao hơn việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Do đó, hiệu quả huy động thấp và chi phí huy động cao, tiềm ẩn rủi ro về lãng phí ngân sách.
Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm của TP HCM rất lớn. Riêng với hệ thống đường sắt và xe điện công cộng, ngoài các tuyến Metro 1 (1,9 tỷ USD) về cơ bản đã hoàn thành; Metro 2 (giai đoạn 1: 2 tỷ USD) và Metro 5 (giai đoạn 1: 1,7 tỷ USD) đã xác định được nguồn vốn từ các nhà tài trợ, còn lại 9 dự án Metro và 3 dự án đường sắt nhẹ với tổng vốn đầu tư dự kiến là 16 tỷ USD hiện chưa xác định được nguồn vốn đầu tư.
Chính vì vậy, nếu chỉ phát hành trái phiếu trong nước thì không thể huy động được nguồn vốn lớn và rẻ để có thể triển khai các dự án này.
Lê Tuyết