Trung ương không thể "3 đầu, 6 tay" làm thay địa phương

(Dân trí) - Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, định hướng "tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng" mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập có ý nghĩa cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Báo Dân tríBáo Dân trí03/02/2025

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) đánh giá cao thông điệp quan trọng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập liên quan việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.

Dẫn lời Tổng Bí thư, ông Phúc cho biết đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. "Yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách", ông Phúc nhấn mạnh.

Khi đặt vấn đề Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay, Tổng Bí thư nêu lên một trong những tồn tại trong phương thức lãnh đạo của Đảng là tình trạng cơ quan Đảng làm nhiều việc lẽ ra thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Theo ông, thực tế này cần được thay đổi bằng những giải pháp cụ thể nào?

- Định hướng "tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng" có ý nghĩa cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Bởi bên cạnh những thành tựu to lớn, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn những hạn chế.

Trong đó, Tổng Bí thư nêu rõ mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Thực tế vẫn còn tình trạng "bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng".

Thời gian qua, một số tổ chức Đảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo đến mức phải xử lý kỷ luật.

Hiện nay, có một số bí thư cấp ủy nhiều khi quyết hết cả những công việc của UBND. Ví dụ như các dự án, Đảng chỉ cho chủ trương, còn quyết định đầu tư ai làm, ai tiến hành, tổ chức đấu thầu như thế nào là việc của UBND. Nhưng có một số bí thư tỉnh ủy ký luôn cả vấn đề đầu tư các dự án, như thế là làm thay. Tình trạng này thường xảy ra với các nhân sự trước khi được bầu làm bí thư đã trải qua chức chủ tịch UBND nên khi sang làm bí thư cấp ủy dễ có tình trạng bao biện, làm thay vai trò của chính quyền, tức là "nhầm vai".

Còn trường hợp buông lỏng lại xảy ra với những bí thư cấp ủy chưa có kinh nghiệm, năng lực nhiều khi chưa ngang tầm nhiệm vụ. Vì vậy, nhiều trường hợp cái gì cũng giao hết cho chính quyền. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng là vấn đề đặt ra cần phải nhận thức rõ.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhiều lần nhấn mạnh đến việc "đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Trung ương không thể "ba đầu, sáu tay" làm thay địa phương; cấp trên không thể bao biện, làm thay cấp dưới, nên phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ như tinh thần Tổng Bí thư đã nêu.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung, nhiệm vụ nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã được Đảng đề ra trong nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay trong thực tiễn thực hiện chưa thực sự có hiệu quả, như cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa thực sự "tiên phong gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình".

Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, còn chồng chéo; việc giới thiệu đại biểu ưu tú vào bộ máy Nhà nước còn chưa đúng và trúng, dẫn đến tình trạng chọn không đúng cán bộ, một số cán bộ lãnh đạo quản lý, kể cả cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật…

Những hạn chế này là một thực tế đang tồn tại khách quan. Do vậy, càng đòi hỏi cấp bách phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. 

Thực tiễn luôn vận động, phát triển, nên nhận thức là quá trình, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng phải dần từng bước, không nóng vội chủ quan, duy ý chí, nhưng cũng không bảo thủ, trì trệ, giáo điều, cản trở sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy mà Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Hoàn thiện thể chế - "điểm nghẽn của điểm nghẽn" - cũng là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Đảng nhiều lần nhấn mạnh. Vậy trước thực tế vẫn còn căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân", "hành doanh nghiệp", có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm… chúng ta cần "liều thuốc đủ mạnh" nào?

- Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thể chế được đánh giá là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn". Để khắc phục điểm nghẽn này, trước hết cần quan tâm vấn đề con người, cán bộ, công chức...

Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người nào sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, quan liêu, máy móc hay có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp… cần thay thế ngay.

Về lâu dài, chúng ta phải gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.

Đi kèm với đó, cần ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay.

Chúng ta cũng cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Đặc biệt, cần có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

Sâu xa hơn, để khắc phục những "căn bệnh" trên, cần đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế; tháo gỡ điểm nghẽn; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; huy động, khơi thông mọi nguồn lực; phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Bên cạnh đó, cải cách hành chính hiện nay dù đã đạt được một số kết quả, nhưng còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, nền hành chính Việt Nam đang cản trở rất lớn đối với sự phát triển của đất nước. Rất nhiều quy định đã lạc hậu không được loại bỏ đang gây phiền hà cho người dân và gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nền hành chính chậm số hóa, đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, nhiều thủ tục nhiêu khê đang là vật cản và gánh nặng cho nền kinh tế. Hơn nữa, một số bộ, ngành, các cơ quan công quyền tự ý ban hành nhiều loại văn bản, giấy phép con (ẩn chứa "lợi ích nhóm") khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ách tắc, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế đất nước.

Để kinh tế phát triển, nền hành chính phải thông thoáng, thuận lợi. Do vậy, cần đẩy mạnh cải cách theo hướng xây dựng nền hành chính điện tử, hành chính số đơn giản, gọn nhẹ đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nền kinh tế số, xã hội số hiện nay và trong tương lai theo tinh thần cái gì có lợi cho dân, cho đất nước, cho nền kinh tế thì dứt khoát làm.

Để chuẩn bị tốt cho Đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, theo ông, làm sao để khắc phục "căn bệnh" của công tác cán bộ mà Tổng Bí thư đã đề cập, đó là người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích?

- Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ.

Trước hết, trong tuyển chọn cán bộ phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và phân công, phân nhiệm rõ về thẩm quyền, trách nhiệm đối với từng cá nhân thành viên lãnh đạo, thậm chí đến từng người trong bộ máy cơ quan, đơn vị, địa phương; xác định rõ mối quan hệ giữa thẩm quyền với trách nhiệm của từng người đến từng công việc...

Thứ hai, phải xác định các tiêu chí cần và đủ trong hệ giá trị của người cán bộ cần phải có về phẩm chất chính trị, về phẩm chất đạo đức, về trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ… để trên cơ sở đó chọn người cho đúng. Bản thân người cán bộ phải thực sự nêu gương, tuyệt đối không để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tham nhũng hoặc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình vì lợi ích của gia đình mình, lợi ích nhóm.

Điều đó đòi hỏi người cán bộ giải quyết công việc chung phải thực sự công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, không cảm tính, thực sự không bị ảnh hưởng bởi "quan hệ, tiền tệ, hậu duệ"...

Thứ ba, xây dựng bộ tiêu chí xác định cán bộ cấp chiến lược và các tiêu chí cụ thể tuyển chọn, sàng lọc cán bộ công khai, minh bạch, khách quan, khoa học. Đi kèm với đó cần có bộ tiêu chí đánh giá đúng hiệu quả công việc của cán bộ để có chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Chỉ có đánh giá đúng mới sử dụng đúng cán bộ, mới phát huy hết tài năng, đức độ của cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ phát huy hết năng lực, sở trường.

Thứ tư, cán bộ cần được giao nhiệm vụ tương xứng và phù hợp với tài năng của họ; đẩy mạnh luân chuyển để cán bộ rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, nhất là ở những địa bàn khó khăn, phức tạp, trọng yếu.

Thứ năm, tôn trọng, ghi nhận, tôn vinh xứng đáng những cống hiến của cán bộ cho dân, cho nước; có chính sách tạo điều kiện về cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ dựa trên hiệu quả công việc mà họ cống hiến cho đất nước.

Đặc biệt, việc bổ nhiệm chức danh, chức vụ, tạo điều kiện thăng tiến trong công việc cho cán bộ phải dựa trên hiệu quả công việc chứ không dựa trên thâm niên hay tuổi tác, tuyệt đối không dựa vào quan hệ, tiền tệ, hậu duệ...

Thứ sáu, xác định thẩm quyền, trách nhiệm các chủ thể tuyển chọn cán bộ một cách tổng thể, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, giữa tập thể với tập thể.

Trong việc này, cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiến cử người có đức, có tài để đào tạo, bồi dưỡng và phải chịu trách nhiệm về việc tiến cử của mình; xây dựng cơ chế và chế tài để xử lý nghiêm những chủ thể khi tuyển chọn sai, tuyển chọn không đúng cán bộ…

Bên cạnh đó, cần có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ, có năng lực, có uy tín và phẩm chất tốt.

Việc tuyển chọn đúng cán bộ là vấn đề cấp bách, cũng rất khó, phức tạp, đòi hỏi giải quyết phải rất khoa học, rất công phu và rất hiệu quả... Dù khó khăn, phức tạp như vậy, nhưng chúng ta không thể không làm, ngược lại phải làm thật tốt. Vì chỉ như thế mới có thể tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng.

Thứ bảy, xây dựng thể chế thực chất, hiệu quả để phòng, chống tình trạng "quan hệ thân hữu", "lợi ích nhóm".

 "Quan hệ thân hữu" là mối quan hệ không bình thường giữa các doanh nhân và quan chức trong chính quyền, họ kết hợp với nhau để giành lấy lợi ích không chính đáng trong kinh tế và trong chính trị.

Vì điều này, các "nhóm lợi ích" cố bám lấy tư duy có lợi cho mình mà không chịu đổi mới tư duy, không chịu cải cách hành chính, thậm chí làm sai lệch cơ chế, chính sách có lợi cho lợi ích nhóm của họ, ta thường gọi là tham nhũng chính sách.

Nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Nhưng đây thực sự là một bài toán rất khó. Theo ông, chúng ta cần ưu tiên cởi trói, đột phá những vấn đề gì?

- Trước hết, cần đổi mới tư duy theo hướng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Hiện nay vẫn tồn tại tư duy muốn "níu kéo cơ chế cũ", muốn Nhà nước vẫn can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; Nhà nước quy định giá làm cho cơ chế giá nhiều mặt hàng chưa thực sự theo cơ chế thị trường…

Nhiều tàn dư của tư duy cũ và tư duy "lợi ích nhóm" đang len lỏi trong các văn bản quy phạm pháp luật ở dạng này hay dạng khác, nếu không loại bỏ, các quy luật thị trường không thể phát huy hiệu quả.

Do vậy, cần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt tư duy, loại bỏ mọi tàn dư tư duy cũ, bảo thủ, quan liêu.

 Thứ hai, phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất...

Muốn vậy, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải tập trung hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, bảo đảm khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển; khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội.

Đặc biệt, phải cải cách, xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Rất nhiều điểm nghẽn, rào cản còn ẩn chứa đang gây cản trở và phá hoại sự phát triển của nền kinh tế, vì thế cần rà soát quyết liệt và dứt khoát loại bỏ mới mong nền kinh tế Việt Nam có cơ hội phát triển.

Một nhiệm vụ rất quan trọng khác trong giai đoạn mới, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, là tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là vấn đề rất khó, rất nhạy cảm nhưng Tổng Bí thư nhấn mạnh vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u". Theo ông, quyết tâm này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta đã nhiều lần cải cách, tinh gọn nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng?

- Quyết tâm chính trị "phải chịu đau để phẫu thuật khối u" mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh có ý nghĩa rất quan trọng để đất nước phát triển tăng tốc, bứt phá sớm đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thời điểm 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi.

Muốn vậy, cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được thực hiện thần tốc với những dấu mốc chưa từng có tiền lệ. Như Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh, cuộc cách mạng lần này được kỳ vọng sẽ tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng để thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước.

Song hành với đó là xây dựng các cơ quan tham mưu của cấp ủy thực sự tinh gọn; cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị, có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm và thông thạo công việc...

Việc cải cách bộ máy cũng cần bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức; đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm "đúng vai, thuộc bài".

Bên cạnh đó, phải tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Đi kèm với cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động.

Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Hoài Thu

Thiết kế: Thủy Tiên

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/trung-uong-khong-the-3-dau-6-tay-lam-thay-dia-phuong-20250123201105710.htm



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available