Đổi mới kiểm tra, giám sát để công việc của Đảng hiệu quả hơn

Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư Đảng khóa XIII, ngày 24.1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, sau khi giao việc, bắt buộc phải có kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đôn đốc.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên02/02/2025

"Từng cấp lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ được giao và kết quả chỉ đạo, kết quả công tác là căn cứ đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị đó. Bộ máy trong hệ thống chính trị phải hoạt động thông suốt từ T.Ư tới cơ sở trên tinh thần "công việc là trên hết", Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư Đảng khóa XIII hôm 24.1

ẢNH: TTXVN

"Không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo"

Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo bộ máy trong hệ thống chính trị thông suốt với tinh thần "công việc là trên hết" chính là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm và theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần phải đẩy mạnh để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Tổng Bí thư khẳng định, Đảng kiểm tra, giám sát để công việc được thực hiện tốt hơn, nghị quyết được thực hiện hiệu quả; bộ máy của Đảng, Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đúng chủ trương, đường lối, đúng người, đúng việc. Cùng đó, kịp thời phát hiện nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo; uốn nắn, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc, chệch hướng hoặc ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong tác phẩm "Sửa đổi lề lối làm việc" xuất bản năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh: "Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát". Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: "Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ".

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc cho biết, kiểm tra, giám sát là một trong 4 điểm quan trọng trong "cách lãnh đạo" của Đảng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra. Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, sự lãnh đạo của Đảng không chỉ ra quyết định, nghị quyết đúng và tổ chức thực hiện. Sự lãnh đạo của Đảng còn phải thực hiện thông qua việc thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng có thực hiện tốt không, có mang lại kết quả không. 

"Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo", PGS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng được chú trọng, đạt nhiều kết quả, song vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát của Đảng

ẢNH: GIA HÂN

Kể từ khi trở thành đảng cầm quyền, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 28 năm 2022 T.Ư Đảng khóa XIII, về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, T.Ư Đảng vẫn đánh giá: một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc…

Nghị quyết 28 của T.Ư Đảng cũng xác định, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát là một trong các nhiệm vụ trọng tâm để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nói cách khác, để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tất yếu phải đổi mới công tác kiểm tra, giám sát.

Nghị quyết của T.Ư Đảng nêu rõ, phải đổi mới phương pháp, quy trình, nâng cao kỹ năng kiểm tra, giám sát, bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ. Thực hiện giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời tổ chức đảng, đảng viên sai phạm.

T.Ư cũng nhấn mạnh, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng trong kiểm tra, giám sát các hoạt động thuộc lĩnh vực được giao. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra của Nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cách thức, phương pháp kiểm tra, giám sát. Cùng đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. 

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng năm 2024

ẢNH: TTXVN

Kiểm tra, giám sát "từ dưới lên"

Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Thông cho rằng, đổi mới, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của Đảng đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng trong việc thực hiện đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cùng với các giải pháp nâng cao trách nhiệm, năng lực kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, người đứng đầu, PGS Lê Minh Thông đề nghị cần đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, giám sát để bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát vừa thường xuyên vừa có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, không gây cản trở, phiền hà cho các đối tượng được kiểm tra. 

Đồng thời, chủ động phát hiện các vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xử lý kiên quyết và đích đáng những cán bộ, đảng viên có hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở bất kỳ cương vị nào.

PGS Lê Minh Thông cũng đề nghị cần xây dựng và thực hiện các chế độ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm pháp lý của các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cán bộ lãnh đạo đối với các công việc thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý và hoạt động của mình.

Tổng Bí thư Tô Lâm xác định đổi mới kiểm tra, giám sát để công việc của Đảng hiệu quả hơn, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

ẢNH: GIA HÂN

"Cần nghiên cứu và áp dụng chế độ trách nhiệm liên đới của tổ chức và cá nhân trong các trường hợp cơ quan cấp dưới hoặc cán bộ cấp dưới thuộc quyền lãnh đạo, quản lý có các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng đó, hoàn thiện quy trình truy cứu trách nhiệm để có thể thực hiện thuận lợi vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, vấn đề từ chức, miễn chức, cách chức trong thực tiễn", PGS Lê Minh Thông nêu.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc thì khái quát, cần cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả như một công cụ đổi mới kiểm tra, giám sát. Theo ông, kiểm soát quyền lực là vấn đề rất lớn hiện nay để chống lại tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, có vị trí nhưng không làm hết trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ dẫn tới sự trì trệ, nhất là trì trệ trong tư duy, hành động.

PGS Lê Minh Thông nhấn mạnh việc kiểm soát "từ dưới lên" theo phương pháp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, tức là sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. "Những hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể và hành vi của các cán bộ công chức phải có sự kiểm tra, giám sát xã hội của nhân dân. Dân chúng trực tiếp (qua các phương tiện thông tin đại chúng) hoặc gián tiếp (qua các tổ chức đại diện) tham gia vào việc tư vấn, phản biện với các cơ quan của Đảng và Nhà nước", PGS Lê Minh Thông nói và cho biết, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng nhắc nhở cán bộ phải gần dân, hỏi dân, học dân, nghe dân.

"Chung quy lại, cần thực hành dân chủ rộng rãi, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để nâng cao vai trò làm chủ, rèn luyện năng lực làm chủ, phát huy tác dụng làm chủ của nhân dân, nhất là trong việc xây dựng đường lối, đánh giá chính sách, lựa chọn cán bộ, chấn chỉnh tổ chức, phát hiện và xử lý tham nhũng để làm trong sạch bộ máy, thể chế, đoàn kết lực lượng nhân dân và tin tưởng ở năng lực của nhân dân, giải quyết kịp thời những đề nghị chính đáng của nhân dân; đồng thời, luôn đem lại lợi ích cho nhân dân", PGS Lê Minh Thông nói thêm; đồng thời khẳng định đây là cách thức tốt nhất để nhân dân ủng hộ và tích cực tham gia đổi mới Đảng và cả hệ thống chính trị. 

Những hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể và hành vi của các cán bộ công chức phải có sự kiểm tra, giám sát xã hội của nhân dân. Dân chúng trực tiếp (qua các phương tiện thông tin đại chúng) hoặc gián tiếp (qua các tổ chức đại diện) tham gia vào việc tư vấn, phản biện với các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

PGS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/doi-moi-kiem-tra-giam-sat-de-cong-viec-cua-dang-hieu-qua-hon-185250125115840755.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available