Dựa vào dân để đổi mới Đảng

Là nhu cầu tự thân, tất yếu, trong 95 năm nhận lãnh sứ mệnh lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, phù hợp với từng bối cảnh, điều kiện phát triển khác nhau. Trên chặng đường ấy, Đảng đã lãnh đạo đất nước đi qua mọi chông gai, thác ghềnh để gặt hái những thành tựu vĩ đại, từ đấu tranh giành độc lập, xây dựng chủ

Báo Thanh niênBáo Thanh niên03/02/2025

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) đã cùng Thanh Niên nhìn lại những dấu ấn quan trọng của Đảng trong gần 1 thế kỷ qua.

ẢNH: VŨ TOÀN

Dấu ấn Đảng cầm quyền

Là người nghiên cứu lịch sử Đảng nhiều năm, ông nhận thấy Đảng đã ghi những dấu ấn quan trọng nào trong tiến trình phát triển của dân tộc?

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà: Trong gần 1 thế kỷ, Đảng đảm đương sứ mệnh lãnh đạo dân tộc, chúng ta thấy có những dấu ấn rất lớn, đó là Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được độc lập dân tộc sau 15 năm ra đời với cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến chống ngoại xâm là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - một cuộc trường chinh kéo dài 30 năm (1945 - 1975) để bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Dấu ấn thứ 3, Đảng đã lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 - 1975) và sau đó lãnh đạo cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ 1986 đến nay, Đảng đã dứt khoát từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, thực hiện đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế. Đường lối đổi mới Đảng ta đề ra cuối năm 1986 đến nay vẫn tiếp tục được thực hiện và đã cho thấy những thành tựu rất to lớn như đánh giá của Đại hội XIII: "Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay".

Tại Đại hội XIII, Đảng xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ

ẢNH: GIA HÂN

Chúng ta đã xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc từ năm 1954 và có nhiều thành tựu, dù trong hoàn cảnh có chiến tranh. Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng lúc này cũng bắt đầu bộc lộ những khó khăn: do hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh; do bao vây, cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây trong khi sụt giảm mạnh về viện trợ từ các nước khác; rồi 2 cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới; đặc biệt là những sai lầm trong chủ trương, chỉ đạo…, nên giai đoạn 1975 - 1986, đất nước lún dần vào khủng hoảng KT-XH. Thời kỳ đó có tâm lý là đã "nín thở" suốt 30 năm chiến tranh rồi thì mong muốn có hòa bình và đời sống khá hơn. Thế nhưng, đời sống lại khó khăn hơn trước… Trong khoảng thời gian đó, Đảng vẫn kiên trì lãnh đạo nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, đổi mới, tìm tòi đường đi. Đảng đã nhận thấy những bước đột phá về đổi mới ở các địa phương, tổng kết lại thành những quan điểm đổi mới để đưa ra Đại hội VI và cuối cùng chúng ta đã thành công để từ 1986 đến nay, đất nước đã phát triển rất mạnh mẽ.

Đảng tự sửa lỗi để mạnh lên

Để giữ vững vai trò lãnh đạo, ngoài tính chính danh của một đảng cầm quyền, chắc hẳn Đảng đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện mình trong suốt tiến trình đó, thưa ông?

Hẳn là vậy rồi. Đổi mới là một nhu cầu tất yếu, tự thân trong Đảng, để hoạt động của Đảng ngày một tốt hơn, phù hợp với thực tiễn phát triển. Đọc lại tác phẩm Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ xuất bản năm 1939, chúng ta thấy ngay từ thời kỳ non trẻ, Đảng đã thẳng thắn tự phê bình, chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế để tự chỉnh sửa mình. Trong tác phẩm này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh việc "công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ".

Dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quan điểm xuyên suốt trong Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

ẢNH: T.L

Đối với một đảng chính trị lãnh đạo, việc mắc phải sai lầm, khuyết điểm là khó tránh khỏi. Vì thế, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc tất yếu trong Đảng. Thông qua tự phê bình và phê bình để nhận thức rõ, sớm về những sai lầm, khuyết điểm, từ đó kịp thời sửa chữa. Điều này được chỉ rõ trong tác phẩm: "Mỗi cuộc thất bại là một dịp cho ta kinh nghiệm, coi những khẩu hiệu ta đề ra có được quảng đại quần chúng hiểu, công nhận và thực hành không".

Sau này, năm 1947, khi viết Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: "Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng". Đến năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra các loại "bệnh" của cán bộ đảng viên trong bài nói chuyện khi Người về thăm Quảng Bình. Cuối năm 1956, tại Hội nghị T.Ư lần thứ 10, khóa II cũng đã kiểm điểm nghiêm khắc những sai lầm trong cải cách ruộng đất và thi hành kỷ luật đối với một số đồng chí T.Ư phạm sai lầm…

Việc tự đổi mới trong Đảng được thực hiện bền bỉ qua các kỳ đại hội, mà ở đó, Đảng luôn tự kiểm điểm, rèn giũa, hoàn thiện phương thức lãnh đạo phù hợp với bối cảnh đặt ra. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, khởi đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng đã nêu cao tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật". Từ tinh thần này, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng trở nên quyết liệt, mạnh mẽ hơn, và các nhiệm kỳ gần đây đều có các kỳ họp chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng tiếp tục được nâng cao.

Đến Đại hội XIII, Đảng nhấn mạnh: "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ", và gần đây nhất, trong bài viết Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra những hạn chế cần sửa đổi để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, bảo đảm Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định thực tiễn đổi mới luôn vận động, phát triển, đòi hỏi đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trên cơ sở kiên định các nguyên tắc của Đảng; thấm nhuần lời dạy của Tổng Bí thư Lê Duẩn: "Phải lãnh đạo chặt chẽ và có nguyên tắc, không bao giờ lung lay trước những khó khăn, thử thách của cách mạng".

Như tôi đã nói ở trên, trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng, không phải lúc nào Đảng cũng đúng mà cũng có những lúc sai lầm. Và Đảng đã nghiêm khắc tự sửa chữa khuyết điểm của mình. Đảng phải tự đổi mới chính mình, đổi mới phương pháp, cách thức làm việc, sao cho ngang tầm nhiệm vụ, làm tròn sứ mệnh của mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Khi Đảng tự đổi mới sẽ thúc đẩy và dẫn dắt xã hội đổi mới. Mà muốn đổi mới thì phải có dũng khí, tự nhận thức, tự phê phán, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, để phát hiện ra yếu kém, khuyết điểm của mình và quyết tâm sửa chữa.

Không khuôn mẫu nữa


Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc mà ông vừa nhắc tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập rất nhiều đến mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Bác nói: "Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng". Trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu: "Sự lãnh đạo của Đảng phải đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân; Nhà nước ta xây dựng phải do dân, vì dân". Theo ông, quan điểm này đã được hiện thực hóa ra sao?

Tôi nghĩ Đảng đang thực hiện đúng phương châm, mà cũng như là một khẩu hiệu: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Khi điều này được triển khai trên thực tế thì nghĩa là Đảng đã dựa vào dân để lãnh đạo và quyền lực thực sự đã thuộc về nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có những điều dân chưa được biết đầy đủ, dân chưa được kiểm tra, giám sát. Do vậy, phải mở rộng dân chủ hơn nữa; công khai, minh bạch hơn nữa; phải lắng nghe những ý kiến phản biện, thậm chí là những ý kiến trái chiều của người dân để Đảng tự hoàn thiện, các cán bộ, đảng viên tự hoàn thiện. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định dựa vào dân để xây dựng Đảng chính là yêu cầu đặt ra của sự nghiệp cách mạng đối với mỗi đảng viên, đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Theo Người, Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, thấm nhuần quan điểm dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn lúc nào hết, Đảng càng phải ra sức vận dụng, thực hiện nhất quán, với tinh thần khoa học và cách mạng, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, hết lòng tin cậy nhân dân, rất mực trung thành và tận tụy phục vụ nhân dân; coi đó là thước đo về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, là bảo đảm vững chắc nhất để Đảng có được sức mạnh từ niềm tin, sự gắn bó, sự giúp đỡ, ủng hộ và bảo vệ Đảng của nhân dân. Đây chính là điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là bí quyết của thành công.

Cũng trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, bàn về "cách lãnh đạo", Bác nêu quan điểm Đảng phải "lãnh đạo đúng nghĩa". Điều này được hiểu như thế nào, thưa ông?

Ở đây có 2 khái niệm: "đảng lãnh đạo" và "đảng cầm quyền". Từ khi ra đời đến năm 1945, Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc trong hoàn cảnh bí mật, lúc ấy chưa cầm quyền. Sau khi tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và Đảng ra công khai hoạt động thì Đảng cầm quyền. Nhưng ở đây, quan niệm "đảng lãnh đạo", "đảng cầm quyền" thì lại phải hiểu rõ hơn một chút.

Đảng lãnh đạo thông qua việc đề ra chủ trương, đường lối. Đảng cầm quyền có nghĩa là Đảng cử cán bộ của Đảng, đảng viên của Đảng vào các cơ quan chính quyền, cơ quan công quyền để triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "lãnh đạo đúng nghĩa" chính là Đảng phải đề ra những chủ trương, đường lối đúng và cán bộ của Đảng phải gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Đảng không được bao biện làm thay. Ngay thời kỳ đó đã có quan điểm "Đảng lãnh đạo" rồi. Còn các công việc của cơ quan chính quyền thì thông qua chủ trương, đường lối và cán bộ của mình để mà thực hiện chứ không phải mọi công việc của chính quyền thì Đảng đều "xắn tay" vào làm.

Lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, chính sách là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhưng như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra, thì một trong những hạn chế hiện nay của Đảng lại nằm ở chính việc ban hành chính sách khi một số còn chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế hóa nhưng tính khả thi không cao…

Đúng vậy! Để các chính sách của Đảng đi vào cuộc sống, dễ triển khai thì các nghị quyết của Đảng cần ngắn gọn, dễ hiểu hơn. Trong nhiều trường hợp, các nghị quyết được ban hành còn dài, thiếu cụ thể, vì thế tính khả thi không cao. Tôi mong muốn các nghị quyết của Đảng đi thẳng vào công việc; chủ trương, đường lối của Đảng đi thẳng vào sự việc. Người đọc và khi được nghe phổ biến người ta cũng hiểu ngay, chứ hiện nay đi nghe nghị quyết, đi nghe quán triệt nhiều khi còn thấy dài dòng và theo một khuôn mẫu; ít đi vào những vấn đề cụ thể, còn chung chung, và "màu hồng".

Trong sự lãnh đạo của Đảng cũng phải nhận thức rõ, chỉ rõ đâu là thành công, đâu là kết quả và đâu là những cái hạn chế và giải pháp sửa chữa là gì? Các nghị quyết cũng có đấy, nhưng còn dài, bị loãng ra khiến người ta không hiểu được cụ thể. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã đề cập chuyện này khi ông lưu ý nghị quyết phải ngắn gọn, dễ hiểu, không dài dòng, khuôn mẫu. Tôi cho rằng đây chính là một cách đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Thêm nữa, đổi mới phương thức lãnh đạo là ngay cả những người đứng đầu cũng phải dân chủ hơn, tức là thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ làm sao cho hiệu quả nhất, chứ "đưa ra bàn bàn tí thôi, còn trong đầu đã có ý rồi" thì không được. Bây giờ phải thực sự dân chủ, lắng nghe tất cả ý kiến để cuối cùng ra quyết định, quyết định đó phản ảnh được ý chí, suy nghĩ của toàn Đảng bộ thì mới tạo được sự đồng thuận.

Đổi mới nữa trong phương thức lãnh đạo của Đảng là phải đoàn kết thực sự, "bằng mặt chứ không bằng lòng" thì không được. Nên người ta mới nói rằng "tôi đồng ý với anh" thì không thể bằng "tôi đồng thuận với anh". Phải tạo được sự "đồng thuận", đồng thuận ngay trong nội bộ và đồng thuận trong cả "ý Đảng, lòng dân" thì nghị quyết và sự lãnh đạo mới đi vào cuộc sống và hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông! 


Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy cơ đến tính mệnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Sửa đổi lối làm việc)

Thực tiễn đổi mới luôn vận động, phát triển, đòi hỏi đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trên cơ sở kiên định các nguyên tắc của Đảng; thấm nhuần lời dạy của Tổng Bí thư Lê Duẩn: "Phải lãnh đạo chặt chẽ và có nguyên tắc, không bao giờ lung lay trước những khó khăn, thử thách của cách mạng".

Tổng Bí thư Tô Lâm (Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới)

Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/dua-vao-dan-de-doi-moi-dang-185250202215221618.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available