Các nhà khoa học Trung Quốc phát triển một hệ thống liên lạc di động có thể di chuyển qua các địa hình phức tạp và kết nối 10.000 robot quân đội trong bán kính 3 km.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc công bố trạm di động 5G quân đội được cho là đầu tiên trên thế giới, sau khi vượt qua các cuộc thử nghiệm nghiêm ngặt, hiện sẵn sàng triển khai ngoài thực địa.
Tập đoàn truyền thông di động Trung Quốc và Quân Giải phóng nhân dân (PLA) cùng phát triển trạm 5G này. Nghiên cứu này được bình duyệt trên tạp chí Khoa học Viễn thông của Trung Quốc vào ngày 17.12.
Trạm có thể cung cấp dịch vụ trao đổi dữ liệu tốc độ cao, độ trễ thấp, an toàn và đáng tin cậy cho ít nhất 10.000 thiết bị như robot trong bán kính 3 km. Hệ thống vẫn duy trì kết nối ổn định ngay cả khi quân đội di chuyển các thiết bị với tốc độ 80 km/h trên địa hình phức tạp, chẳng hạn như núi hoặc thành phố và bị nhiễu điện từ.
Bước đột phá này mở đường cho việc sử dụng ứng dụng rộng rãi công nghệ thông minh cho các cuộc xung đột trong tương lai. Trung Quốc đang xây dựng hệ thống máy bay không người lái (UAV), chó robot và các nền tảng chiến đấu không người lái mạnh mẽ nhưng giá rẻ. Dự kiến, binh đoàn robot này sẽ chiếm số lượng đông hơn con người trên các chiến trường trong tương lai.
Xem chiếc máy bay chiến đấu bí ẩn của Trung Quốc đang gây ngạc nhiên trong giời quân sự
Tuy nhiên, các công nghệ truyền thông quân sự hiện tại chưa thể đáp ứng nhu cầu trao đổi dữ liệu khổng lồ giữa hàng nghìn robot. 5G quân sự khác biệt đáng kể so với phiên bản dân sự về yêu cầu kết nối không bị gián đoạn khi không có trạm gốc mặt đất hoặc khi tín hiệu vệ tinh bị suy yếu.
Ngoài ra, ăng-ten được lắp trên các phương tiện liên lạc không được cao quá 3 mét để tránh va vào các chướng ngại vật như tòa nhà hoặc cây cối, nhưng điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến phạm vi phủ sóng của các tín hiệu chất lượng cao.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học và các kỹ sư quân sự Trung Quốc phát triển một nền tảng có thể gắn trên nóc xe quân sự để làm “căn cứ” của 3 – 4 UAV. Những UAV này có thể cất cánh luân phiên trong quá trình và lại đóng vai trò là trạm căn cứ trên không. Sau đó, nếu pin của UAV sắp hết, nó có thể chuyển giao nhiệm vụ cho máy bay khác và tự động hạ cánh trên nóc xe để sạc.
PLA đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm trên hệ thống này, đồng thời khẳng định nó “giải quyết hiệu quả các vấn đề như thường xuyên ngắt kết nối và tốc độ thấp gặp phải trong các ứng dụng thực tế” và có thể “triển khai an toàn, đáng tin cậy và nhanh chóng”.
Một mối đe dọa lớn đối với 5G quân sự là nhiễu điện từ, không chỉ có thể đến từ đối thủ mà còn từ các lực lượng thân thiện hoạt động trong cùng khu vực. Trước thách thức đó, nhóm phát triển cho biết những vấn đề này được giải quyết thông qua đổi mới công nghệ và nâng cấp thiết bị.
Hệ thống 5G quân sự cũng sử dụng các công nghệ dân sự mới nhất của Trung Quốc. Tính đến tháng 11.2024, Trung Quốc xây dựng gần 4,2 triệu trạm gốc 5G dân dụng, vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
“Việc vận hành một mạng lưới rộng lớn như vậy nhất thiết đòi hỏi các công cụ và phương tiện tự động hóa mạnh mẽ, trong đó có công nghệ mở trạm tự động. Nó có thể tự động hoàn thành việc sản xuất dữ liệu trạm gốc mạng lõi, tải dữ liệu, cấu hình tham số cơ sở và các tác vụ khác”, nhóm nghiên cứu cho hay.
Hồi năm 2020, Mỹ cũng từng phát động chiến dịch quân sự hóa công nghệ 5G mà họ tuyên bố là lớn nhất thế giới, nhưng tiến độ vẫn chậm do những thách thức về mặt kỹ thuật. Hiện tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin và công ty viễn thông Verizon đang hợp tác để xây dựng một hệ thống tương tự và đang thực hiện các thử nghiệm quy mô nhỏ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/trung-quoc-trien-khai-mang-5g-dau-tien-co-kha-nang-ket-noi-10000-robot-quan-doi-185241231085347116.htm