Hệ thống hạ cánh bằng dù thành công trong lần phóng tên lửa đẩy Trường Chinh-3B tháng 5, giúp quá trình hạ cánh chính xác hơn.
Hệ thống hạ cánh tên lửa bằng dù giúp thu hẹp tới 80% diện tích khu vực đáp, Viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc (CALT) thông báo hôm 9/6. Cuộc thử nghiệm diễn ra ngày 17/5 khi tên lửa Trường Chinh-3B phóng lên thành công, mang theo vệ tinh thứ 56 cho hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc.
Sau khi phân tích dữ liệu thử nghiệm và các mảnh vỡ tại địa điểm, CALT nhận thấy hệ thống dù di chuyển theo quỹ đạo hạ cánh được sắp xếp sẵn và đưa chính xác phần tách ra của tên lửa đến khu vực hạ cánh. CALT cho biết, thử nghiệm mới đã đặt nền móng cho việc ứng dụng hệ thống dù trên quy mô lớn trong các dự án tương lai.
Hệ thống dù do CALT phát triển độc lập nhằm tăng tính an toàn cho khu vực hạ cánh của các bộ phận tên lửa. Đa số bãi phóng lớn của Trung Quốc đều nằm sâu trong đất liền, nên việc ngăn các bộ phận tên lửa rơi xuống bừa bãi, nhất là ở những nơi có hoạt động của con người, là nhiệm vụ quan trọng với các nhà khoa học.
Trong thử nghiệm, hệ thống dù công nghệ cao được đặt trên một trong 4 bộ phận đẩy của tên lửa và kích hoạt sau khi bộ phận đẩy tách khỏi tên lửa và rơi xuống một độ cao nhất định. Hệ thống dù giúp kiểm soát độ cao và hướng của bộ phận tên lửa, đưa nó đến địa điểm hạ cánh được chỉ định.
Các chuyên gia có thể kiểm soát chính xác hệ thống sau nhiều bước tối ưu hóa. Theo CALT, họ đã tối ưu hóa hệ thống dù với hệ thống điện phụ, giúp giảm 30 kg trọng lượng và khiến hệ thống dù trở nên thiết thực hơn.
Thu Thảo (Theo Global Times)