Hoạt động này nằm trong chuỗi các sự kiện hội thảo quốc tế Kết nối Việt Nam lần thứ 14 do Tổ chức Engaging With Vietnam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) cùng một số đơn vị trong nước và quốc tế tổ chức.
Tại đây, có gần 20 gian hàng trưng bày các loại áo dài truyền thống của các nhà thiết kế, các phụ kiện đi kèm với áo dài, các gian hàng nghệ thuật như Trúc Chỉ Việt Nam, Pháp lam Huế, dệt Zèng, nón lá…với rất nhiều mẫu mã đa dạng, đẹp mắt được giới thiệu đến công chúng trước sự đón nhận và trầm trồ của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước về tham dự hội thảo.
Theo ban tổ chức, thông qua không gian này không chỉ quảng bá được nét đẹp, giá trị di sản đó chính là cung An Định mà còn để du khách và đại biểu có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm áo dài và các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ nổi tiếng của Huế.
Không gian trưng bày mở cửa xuyên suốt thời gian diễn ra hội thảo, đến hết ngày 6/8.
*Chiều cùng ngày, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (15A Lê Lợi, TP. Huế) cũng đã diễn ra khai mạc triển lãm “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh” qua thư pháp Truyền thừa của Đài Loan (Trung Quốc).
Triển lãm do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tổ chức. Tại đây, có 53 bức thư pháp với nhiều thể chữ khác nhau như Triện thư, Lệ thư, Chân thư, Hành thư, Thảo thư… được các nghệ nhân, nhà nghiên cứu thư pháp thuộc Hội thư pháp Truyền thừa Đài Loan (Trung Quốc) tái hiện từ 20 bài ngự chế của vua Thiệu Trị ở trong tập thơ “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh”. Đó là 20 cảnh đẹp nổi tiếng Kinh đô Huế, trong đó có 7 cảnh đẹp tự nhiên và 13 thắng cảnh do con người tạo nên.
Theo ban tổ chức, thông qua triển lãm giúp lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam trong lộ trình hội nhập văn hóa quốc tế, cũng là sự khẳng định tầm vóc của những giá trị di sản mang tính chất toàn cầu mà di sản văn hóa Cố đô Huế đang ẩn chứa.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 10/8.
N. MINH