200 hiện vật thời bao cấp lần đầu tiên được Bảo tàng tỉnh Hải Dương trưng bày, giới thiệu đến công chúng ký ức một thời.
Chuyên đề trưng bày Nhớ về thời bao cấp nhằm kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) được Bảo tàng Hải Dương tổ chức từ ngày 21/11/2023 đến 20/2/2024.
Gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh đã tái hiện sinh động và chân thực về cuộc sống người dân dưới thời bao cấp vất vả, thiếu thốn mọi bề.
Ông An Văn Mâu, 64 tuổi, ở TP Hải Dương diễn tả lại cảnh “đặt gạch lấy chỗ” ở cửa hàng mậu dịch thời bao cấp.
Thời kỳ bao cấp là những năm 1964-1975 ở miền Bắc và giai đoạn 1976-1986 trên phạm vi cả nước. Khi đó, tâm sức, trí lực của hàng triệu người phải dồn nhiều vào việc xếp hàng để mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. “Đặt cục gạch lấy chỗ” trở thành biểu tượng ngày ấy.
Gạo, lạc, sữa, đường, bát sắt tráng men, mâm nhôm…, những món đồ phổ biến ở cửa hàng mậu dịch thời bao cấp.
Giai đoạn này, hầu hết sinh hoạt kinh tế được nhà nước bao cấp theo hình thức kế hoạch hóa. Sổ gạo, tem phiếu dùng phân định nhu yếu phẩm, gạo, thịt, mắm muối, chất đốt… Mỗi gia đình tùy vào vị trí công việc, nghề nghiệp và niên hạn, được quy định mặt hàng, số lượng được phép mua.
Ông Đặng Văn Xuyến (góc phải) kể về chiếc chăn con công giống chiếc mà ông được tặng trong ngày cưới cách đây gần 40 năm.
Theo ông Xuyến, thời bao cấp nhiều gia đình có chăn con công, loại màu sắc rực rỡ với họa tiết là đôi công âu yếm nhau hoặc bốn con công múa.
Những gia đình có chăn con công thường được xem là khá giả. Chính vì vậy, những chiếc chăn này thường được dùng làm quà tặng, đặc biệt là trong ngày cưới.
Áo may ô, tiêu chuẩn cho một người đàn ông “đáng để yêu” vào thời bao cấp như miêu tả trong câu thơ: “Một yêu anh có may ô. Hai yêu anh có cá khô ăn dần. Ba yêu rửa mặt bằng khăn. Bốn yêu anh có hai quần để thay…”.
Không gian phòng khách thời bao cấp với bộ salon hộp bằng gỗ sồi, tủ ly, tivi trắng đen của Nhật, đài cassette, máy khâu.
Chiếc tủ ly đặt giữa nhà thường trưng bày những thứ quý giá, đẹp đẽ nhất như búp bê Nga, đồng hồ con gà.
Xe máy Simson của Đông Đức cũ ồ ạt nhập về Việt Nam những năm 70-80 của thế kỷ trước với giá hơn một cây vàng một chiếc nên chỉ có những “dân chơi” hồi đó mới có thể sở hữu.
Không gian phòng ngủ thường thấy ở nhà tập thể tại thành thị thời bao cấp.
Tường nhà được dán giấy báo, che màn gió. Giường thang với tủ gỗ đựng đồ cá nhân, chiếu cói, quạt con cóc. Thời kỳ này, xe đạp Thống Nhất là phương tiện di chuyển phổ biến của người dân.
Khi chưa có tủ lạnh, tủ bếp hiện đại, nhà nào cũng có một cái chạn bằng gỗ hoặc tre.
Chạn thường được đóng thành ba tầng bất kể kích thước. Tầng dưới cùng không cánh để úp xoong nồi, tầng giữa với nan gỗ thưa để xếp bát đĩa và tầng trên cùng có lưới vây để tránh ruồi muỗi bay vào thức ăn đựng trong chạn. Bên hông chạn bao giờ cũng treo một giỏ tre cắm đũa, muôi, thìa.
Lê Tân