Để có ngoại hình và thể lực của một chàng trai 18, Bryan Johnson, triệu phú công nghệ 45 tuổi, uống 100 viên thuốc mỗi ngày và ăn 31 kg rau mỗi tháng.
Johnson cho biết nhờ các thói quen có phần cực đoan này, anh sở hữu “trái tim của một người 37 tuổi, làn da của người 28 tuổi, dung tích phổi và thể lực của thanh niên 18 tuổi”.
Hàng ngày, anh phân chia 100 viên thực phẩm chức năng vào ba bữa ăn. Trong bữa sáng và bữa trưa, anh uống khoảng 60 viên thuốc, vitamin khác nhau như vitamin B, D, viên uống chứa tỏi, gừng, kẽm.
Trong một vlog về cuộc sống đăng tải trên kênh Youtube cá nhân, Johnson giới thiệu về loại viên uống chiết xuất từ sâm Ấn Độ ashwagandha. Theo anh, loại thuốc này giúp giảm lo âu, cải thiện giấc ngủ và tăng sinh testosterone. Trích dẫn các nghiên cứu, Anant Vinjamoori, giám đốc y tế của công ty tuổi thọ Modern Age, cho biết ashwagandha giúp giảm cortisol, một loại hormone liên quan đến căng thẳng. Nó còn giúp cải thiện giấc ngủ cho người mắc chứng mất ngủ.
Nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y tế Quốc gia gần đây cũng chỉ ra rằng ashwagandha có thể là thành phần tiềm năng chống lão hóa. Công trình khác của Tạp chí Y học Lâm sàng cho thấy ashwagandha giúp duy trì độ dài của các protein quan trọng ở phần cuối của nhiễm sắc thể, gọi là telomere. Phần này thường bị rút ngắn trong quá trình sao chép DNA, được coi là yếu tố chính “đẩy nhanh tốc độ lão hóa tế bào”.
Số thuốc còn lại được Johnson uống trong “bữa tối” lúc 11h trưa. “Bữa ăn cuối cùng trong ngày của tôi là lúc 11h trưa. Đây là phương pháp ăn uống giới hạn thời gian, còn gọi là nhịn ăn gián đoạn”, anh giải thích. Để nhịn ăn gián đoạn, người thực hiện chỉ tiêu thụ thực phẩm vào một khoảng thời gian nhất định, cho phép hệ tiêu hóa nghỉ ngơi trong thời gian còn lại của ngày.
Các loại thuốc gồm viên nén bông cải xanh, Axit Hyaluronic bổ sung nước cho cơ thể, Nicotinamide. Trong đó, Nicotinamide là chất bổ sung, giúp tăng mức NAD+, một loại coenzyme quan trọng trong cơ thể. NAD+ đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ trao đổi chất và duy trì chức năng tế bào khỏe mạnh. Loại chất bổ sung này được nhiều tỷ phú săn lùng.
Giáo sư Sinclair của Trường Y Harvard giải thích cơ thể con người sử dụng NAD+ làm “thước đo lão hóa”. Khi con người già đi, mức độ NAD+ giảm, các enzym sửa chữa và bảo vệ cơ thể bị ảnh hưởng, con người không còn chống lão hóa một cách tự nhiên được nữa.
Bên cạnh việc uống thuốc điều độ, Johnson ăn 31 kg rau mỗi tháng, thức dậy lúc 4h30 và đi ngủ lúc 20h30 hàng ngày. Mỗi giờ trong ngày được anh và đội ngũ 30 bác sĩ sắp xếp theo một thuật toán tối ưu, dựa trên hơn 2.000 ấn phẩm học thuật nhằm theo dõi cơ thể nghiêm ngặt. Anh tự gọi chương trình của mình là Project Blueprint.
Hồi tháng 5, Johnson trao đổi máu với con trai 17 tuổi, truyền huyết tương trực tiếp vào tĩnh mạch để chống lão hóa. Đối với Johnson, trao đổi máu là liệu trình quen thuộc. Anh đã đến phòng khám này trong nhiều tháng liên tiếp, nhận huyết tương từ những người hiến tặng trẻ, ẩn danh. Họ nhận được khoảng 100 USD thẻ quà tặng cho một liệu pháp có giá khoảng 5.500 USD.
Ý tưởng sử dụng huyết tương làm liệu pháp trẻ hóa gây chú ý sau một số thí nghiệm lâm sàng. Trong đó, các nhà khoa học phẫu thuật cấy ghép cơ quan giữa chuột già và các con chuột trẻ hơn. Kết quả cho thấy những con chuột già nhận máu và nội tạng của chuột trẻ có thể đảo ngược lão hóa, cải thiện chức năng nhận thức, trao đổi chất và cấu trúc xương.
Dù vậy, công trình này còn nhiều tranh cãi. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy trao đổi máu sẽ hiệu quả ở người.
“Chúng ta chưa có đủ kiến thức để kết luận đây là liệu pháp khả thi. Đối với tôi, nó thật thô thiển, thiếu bằng chứng và tương đối nguy hiểm”, Charles Brenner, nhà hóa sinh tại Trung tâm Y tế Quốc gia City of Hope ở Los Angeles, cho biết.
Sau khi chi hàng nghìn USD thực hiện liệu pháp trao đổi máu, Johnson cho biết phương pháp không hiệu quả.
Thục Linh (Theo Fortune)