Hội thảo “Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào 7/12, tại Hà Nội với sự tham dự của 07 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn các nhà báo ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore; các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí tại Việt Nam đã thành công tốt đẹp, đạt được những mục tiêu đề ra.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội thảo nhận được hơn 40 tham luận từ các đại biểu 8 quốc gia khu vực ASEAN. Với hai phiên họp, các vấn đề về lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm trong xây dựng và quản trị toà soạn số đã được nêu ra, thảo luận và phân tích, hội thảo được lắng nghe, trao đổi và tương tác với các đại biểu quốc tế của 7 nước ASEAN.
“Đó là những kinh nghiệm quý, gợi ý hay cho các cơ quan báo chí các quốc gia thuộc khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng để nghiên cứu, học hỏi, lựa chọn mô hình toà soạn số, phương thức quản trị toà soạn số cho phù hợp với thực trạng, điều kiện và nguồn lực đối với từng loại toà soạn, từng cơ quan báo chí ở từng quốc gia”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhận định.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Lợi, các mô hình toà soạn số của các cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện tại Việt Nam như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, một số cơ quan báo chí địa phương ở Việt Nam như: báo Tuổi trẻ, Báo Kinh tế đô thị, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu nhất định trong chuyển đổi số báo chí, đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, vấn đề và giải pháp phát triển.
Toạ đàm “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hoá quản trị toà soạn báo chí số ở các quốc gia ASEAN” là một diễn đàn mở về nhiều góc độ: từ khoa học truyền thông, quản trị nội dung, quản trị kinh tế, tài chính, quản trị dữ liệu, tài sản số đến ứng dụng công nghệ và các công cụ số, vấn đề tiếp thị sản phẩm báo chí số…
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, các quốc gia trên toàn thế giới đang đối mặt với vô số cơ hội và thách thức khi chuyển đổi kỹ thuật số đã định hình lại mọi hoạt động của đời sống xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và thói quen làm việc hàng ngày. Xu hướng tất yếu này thể hiện bước đột phá to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội và con người.
Trong bối cảnh đó, báo chí truyền thông không thể đứng ngoài cuộc; chuyển đổi số của báo chí và phương tiện truyền thông là vấn đề sống còn, là điều cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan báo chí, các tổ chức truyền thông và người làm báo.
Song, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thách thức lớn nhất của chuyển đổi số báo chí trong khu vực là vấn đề nguồn lực. Các cơ quan báo chí trên thế giới đã bắt nhịp tương đối sớm, nhưng đối với các nước ASEAN trong một số cơ quan, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn.
Một toà soạn số cần được xây dựng và quản trị tốt, sẽ là điều kiện để tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức và những vấn đề mà báo chí ASEAN phải đối mặt như: sự thống nhất về nhận thức, tính chiến lược và việc xác định rõ mục tiêu, phương thức, điều kiện, lộ trình chuyển đổi số, mô hình toà soạn số thích hợp, nguyên tắc, quy trình quản trị nội dung, quản lý dữ liệu, quản lý và phát triển công chúng số, phân phối trên các nền tảng, vấn đề bản quyền báo chí số, sự thiếu hụt và thiếu đồng bộ về nhân lực, nền tảng kỹ thuật, công nghệ và các điều kiện về tài chính và quản trị tài chính.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhắc đến vấn đề tài lực cũng là thách thức rất lớn, khi chuyển đổi số đòi hỏi phải có kinh phí, có tài chính nhưng không phải cơ quan báo chí nào trong ASEAN cũng đáp ứng được điều kiện đó.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi báo chí gặp phải sự cạnh tranh “khốc liệt” từ các loại hình thông tin khác, nhất là mạng xã hội, các cơ quan báo chí càng gặp khó khăn hơn trong vấn đề tìm nguồn thu để tái đầu tư vào các nền tảng công nghệ đa thiết bị và đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ người làm báo. Đồng thời, sự ủng hộ từ phía Chính phủ và Nhà nước cho các cơ quan báo chí vẫn còn chưa đồng đều ở các nước trong khu vực.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhận định, việc tổ chức Hội thảo “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” báo chí đã giúp cho các cơ quan báo chí, các nhà báo trong ASEAN hiểu hơn và tham gia sâu hơn vào việc chuyển đổi số góp phần tạo nên một nền báo chí ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn, cập nhật hơn những cách thức làm báo mới, thúc đẩy thông tin báo chí trong khu vực được lan toả mạnh hơn, tốt hơn.
Từ đó, góp phần cho sự thông hiểu lẫn nhau giữa công chúng, người dân ASEAN với tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi đất nước; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong khu vực.
“Các ý kiến và tinh thần tương tác, đoàn kết, sự thống nhất về nhận thức chuyển đổi số của các đại biểu tham luận, cho thấy triển vọng của khối báo chí ASEAN, đoàn kết, hướng tới sự phát triển nền báo chí quốc gia và khu vực chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Góp phần hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác Liên đoàn báo chí ASEAN”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ tin tưởng.
Nhóm PV