Để thành công trong công cuộc chuyển đổi số, các cơ quan báo chí phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, từ việc cơ cấu lại tổ chức, nhân sự và đặc biệt không ngừng cập nhật và ứng dụng công nghệ mới.
Tuy nhiên, có một thách thức chung mà mọi tổ chức báo chí trong khu vực, cũng như cả trên thế giới nói chung, là cần phải tạo ra được sự cân bằng trước sự chèn ép của các nền tảng truyền thông xã hội và công nghệ đang phát triển như vũ bão.
Báo chí các nước ASEAN trước sức ép từ mạng xã hội
Đó cũng là nhận định của ông Agus Sudibyo, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cơ quan phát thanh truyền hình công cộng TVRI thuộc Hội Nhà báo Indonesia. Ông tuyên bố: “Như tình trạng chung ở các nước ASEAN, báo chí Indonesia cũng đang đối mặt với thách thức lớn trong thời đại kỹ thuật số. Kinh tế báo chí đang suy giảm tại Indonesia khi nguồn thu đang bị các ông lớn công nghệ kiểm soát. Theo thống kê có tới từ 76 đến 81% tin tức được phân phối qua các nền tảng công nghệ như Google và Facebook. Doanh thu quảng cáo số ở Indonesia cũng bị Google và Facebook thâu tóm”.
Bởi vậy, ông đưa ra một gợi ý rằng: “Trước sức mạnh độc quyền của Google và Facebook, chúng ta không thể một mình bước đi mà chúng ta cần phải xây dựng sự hợp tác, không chỉ giữa các cơ quan báo chí trong một quốc gia, mà cả trong khu vực và thậm chí cả trên bình diện quốc tế”.
Đặc biệt ông Agus Sudibyo cho rằng một trong những cách quan trọng để bảo vệ báo chí là xây dựng các chế tài khiến các các mạng xã hội và công nghệ phải tuân thủ các quy định chung trong các hoạt động truyền thông và luật bản quyền, giúp báo chí không bị những gã khổng lồ như Facebook và Google chèn ép, thậm chí “đánh cắp” nội dung báo chí.
Cũng theo ông, các tổ chức báo chí Indonesia đang cùng nhau xây dựng một quy trình 5 bước cho sứ mệnh này, trong đó có cả việc vận động hành lang chính phủ, các nhóm truyền thông, quốc hội và chính nền tảng mạng xã hội, để có thể đưa ra các quy định nhằm đảm bảo sự công bằng cho báo chí. Có thể nói, kế hoạch này cũng rất giống các điều luật tại Úc và gần đây là Canada nhằm khiến các mạng xã hội và nền tảng công nghệ khác phải chia sẻ lợi nhuận cho báo chí.
Thách thức của các nền tảng mạng xã hội cũng được xem như một vấn đề lớn cần phải vượt qua ở hầu hết các quốc gia khác ở Đông Nam Á, theo nhiều khía cạnh khác nhau. Ví như đại biểu từ Philippines, nhà báo cấp cao Maria Maralit của tờ The Malina Times thì cho rằng việc báo chí ồ ạt đưa thông tin lên mạng xã hội cũng là một rủi ro. Bên cạnh việc tiếp tục phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ, thì một rủi ro lớn là vấn đề “thông tin sai lệch”. Bà nói rằng: “Việc hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội cũng tạo ra những thách thức, đặc biệt là kiểm soát thông tin sai lệch. Khi ngay cả các tổ chức tin tức lớn cũng có thể rơi vào cạm bẫy ‘câu view’ trên các nền tảng này”.
Trong khi đó, ông Khieu Kola, Cố vấn Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia (CCJ), cho biết các phương tiện truyền thông mới nổi, chẳng hạn như truyền thông công dân, truyền thông xã hội, đặc biệt là trên Facebook, đang phát triển mạnh. Và đây là một thách thức lớn với các tổ chức báo chí Campuchia khi mà quá trình chuyển đổi số báo chí ở nước này vẫn chưa thực sự phát triển.
Cần nhiều sự hợp tác và các chính sách bảo vệ báo chí
Tại Lào, sự phát triển của các kênh truyền thông xã hội cũng đang bùng nổ, qua đó khiến thông tin khó được kiểm soát. Cụ thể theo tham luận của ông Aditta Kittikhoun từ Hội Nhà báo Lào với tiêu đề: “Từ In ấn đến Pixel: Cuộc cách mạng báo chí truyền thông của Lào”, thì có tới 62% người dùng internet tại nước này đang sử dụng mạng xã hội làm kênh thông tin trao đổi tin tức.
Trong khi đó, cũng theo số liệu trong tham luận, cả nước Lào chỉ có 24 tờ báo, 32 đài truyền hình, 44 đài phát thanh. Điều đó có nghĩa, giống như Campuchia, mạng xã hội và các nền tảng công nghệ có thể sẽ dễ dàng “đè bẹp” các kênh báo chí truyền thống ở nước này. Như đã biết ngay cả các quốc gia có nền báo chí phát triển mạnh và đông đảo, cũng đang vật lộn trước sức ép từ nền tảng mạng xã hội và công nghệ.
Dẫu vậy, theo chuyên gia Aditta Kittikhoun, thì báo chí vẫn không thể né tránh các kênh truyền thông xã hội hay các nền tảng công nghệ mới, mà còn phải xem đây vừa là thách thức vừa là cơ hội. Ví dụ, việc mọi công dân đều có thể trở thành một phóng viên trong thời đại nay cũng có nghĩa là báo chí sẽ có nhiều kênh thông tin để khai thác.
Trong khi đó, đặc biệt với việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), việc làm báo sẽ dễ dàng hơn với những quốc gia mà báo chí vẫn còn hạn chế về nguồn lực như Lào. Ông cũng đưa ra một ví dụ khi công bố một bức ảnh ấn tượng được tạo bởi AI để mô tả bài thuyết trình của mình và nói rằng nó chỉ được tạo ra trong vòng “vỏn vẹn 10 giây”.
Trong số những đề xuất của mình, ông Aditta Kittikhoun cũng cho rằng những nhà làm chính sách các nước tại ASEAN nên hỗ trợ cho báo chí trong kỷ nguyên chuyển đổi số bằng cách đưa ra những quy định kiểm soát mạng xã hội, thông qua tăng thuế, kiểm duyệt thông tin sai lệch và kiểm soát các vi phạm bản quyền trên các nền tảng công nghệ.
Cuối cùng hầu hết các diễn giả, các chuyên gia trong nước và quốc tế trong Hội thảo đều nhận định rằng trước sức mạnh vượt trội của các nền tảng công nghệ toàn cầu, chúng ta không thể làm việc một mình, cần xây dựng mạng lưới và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.
Và Hội thảo báo chí quốc tế: “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” vừa kết thúc chiều nay chắc chắn đã góp phần không nhỏ để giúp xây dựng sự hợp tác lớn hơn nữa giữa cộng đồng báo chí các nước ASEAN trong tương lai.
Hoàng Hải